Hàng không Việt Nam phát triển khá nhanh trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cắt đứt đà phát triển này khiến hai năm qua, cấu trúc của ngành hàng không thay đổi theo hướng bất lợi.
Thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tại Việt Nam hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức như năm 2019 vào cuối năm 2023.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, có tổng cộng 313.223 chuyến bay cất cánh, đạt 95% so với số lượng thực hiện năm 2019 (326.680 chuyến), tăng 148% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không trong năm 2022 ước đạt 1,25 triệu tấn. Con số này bằng 95% so với năm 2021 và tương đương năm 2019).
Đối với dịch vụ chở khách, trong năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019.
Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so với năm 2021 và bằng 27% so với năm 2019).
Ngay từ tháng 4/2022, thị trường khách quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường hàng không quốc nội hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% vào các tháng 7 và 8 so với so cùng kỳ 2019.
Các hãng hàng không Việt mở rộng hoạt động khai thác các đường bay trong nước, mở đường bay mới, tăng tần suất với 69 đường bay quốc nội thường lệ được khai thác bởi 5 hãng hàng không nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương.
Đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục diễn ra chậm dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022 và khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.
Theo đó, 62 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) đã khai thác thường lệ 118 đường bay quốc tế tới 24 quốc gia, vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và cả châu Phi.
Bên cạnh đó, các hãng cũng khai thác các thị trường mới như VietJet, Vietnam Airlines khai thác các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc đến Mumbai, Delhi (Ấn Độ), Vietjet Air khai thác đường bay Cam Ranh - Almaty, Nha Trang - Astana (Kazakhstan).
Cục Hàng không Việt Nam chủ động trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các quốc gia đối tác (Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Nga...) trong việc mở lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ để tăng tần suất, tải cung ứng và điểm đến hai quốc gia đông dân này.
Hàng không phục hồi nhưng hãng hàng không càng bay càng lỗ
Theo Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, cao điểm dịp hè, tháng 7/2022, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không đạt 33.238 chuyến, tăng 781,2% so với cùng kỳ năm 2021 và 7,9% so với tháng 6/2022.
Dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, các sân bay lớn trong nước đều đón lượng khách kỷ lục. Chỉ tính riêng sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, trải qua hai dịp cao điểm trong năm, khách đi lại đông đúc, các hãng hàng không lại báo lỗ, không thu được nhiều từ ngành nghề kinh doanh chính và vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động tài chính.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của hãng hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.807 tỷ đồng trong quý này. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách chỉ đạt 2.556 tỷ đồng.
Trong quý 4, Vietjet lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng, trong khi quý 4 năm trước đó chỉ lỗ 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác của công ty lại thu về 3.687 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, Vietjet báo lỗ 2.358 tỷ đồng trong quý 4, thấp hơn nhiều khoản lãi 42 tỷ tỷ đồng của quý 3.
Lũy kế cả năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp ba lần năm 2021. Lỗ gộp tăng 6% lên 2.167 tỷ đồng,lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi gần 122 tỷ đồng của 2021.
Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, dù vượt 20% mục tiêu doanh thu nhưng hãng bay này lại đi lùi về mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp này báo lỗ.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vietnam Airlines, trong năm 2022 hãng đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải là 51.464 tỷ đồng. Con số này lớn hơn hai năm 2020 và 2021 cộng lại, tương đương 70% mức trước dịch Covid-19.
Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, Vietnam Airlines vẫn lỗ ròng hơn 10.000 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021. Đây là năm thứ ba liên tiếp hãng hàng không quốc gia báo lỗ với giá trị lũy kế lỗ lên tới 34.199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 10.199 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng.
Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết bởi trước đó HoSE đã nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Là hãng duy nhất báo lãi trong 3 hãng, báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vietravel cho thấy công ty này ghi nhận doanh thu 3.814 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2022. Đồng thời hãng cũng đã chấm dứt tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi có lãi gộp 300 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ gộp 202 tỷ đồng. Vietravel cũng cắt giảm các chi phí như lãi vay, chi phí bán hàng và giảm lỗ ở công ty liên kết, nhờ đó ngắt mạch hai năm lỗ liên tiếp do dịch với khoản lãi ròng 121 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VTR ở mức 1.866 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 1.688 tỷ đồng. Nợ phải trả của VTR cũng giảm 15% so với số đầu năm còn 1.738 tỷ đồng, Vietravel cũng thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu khi dương khoảng 128 tỷ đồng.
Bamboo Airways mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh tuy nhiên hãng bay này đã ước tính lỗ hơn 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn hẳn mức lỗ trên 2.200 tỷ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, trung bình trong các năm trước dịch, Bamboo Airways cũng chỉ lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm. Do đó, có thể hãng sẽ có thêm một năm báo lỗ.
Trong khi các các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn do sự biến động của giá nhiên liệu và những trở ngại trong việc mở lại các đường bay quốc tế thì doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển hạ tầng, dịch vụ cảng hàng không phục hồi mạnh mẽ.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), luỹ kế cả năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu hơn 13.945 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế tăng gần gấp 9 lần so với năm 2021, đạt 7.127 tỷ đồng.
Hàng không Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2023
Dù còn gặp nhiều khó khăn sau quá trình mở cửa nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực để kỳ vọng vào một năm 2023 tươi sáng hơn cho ngành hàng không.
Theo dự báo về thị trường hàng không toàn cầu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố, thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023, nhưng riêng đường bay kết nối Việt Nam - Trung Quốc vẫn chưa thể phục hồi sớm.
Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Theo báo cáo triển vọng ngành hàng không của CTCP chứng khoán SSI, ngành hàng không sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2023. Rõ ràng nhất là việc nhu cầu toàn cầu tiếp tục hồi phục khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid, tạo cơ hội cho du lịch Châu Á -Thái Bình Dương và du lịch xuyên lục địa.
SSI ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong quý 2/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam.
Mặc dù lợi nhuận các hãng hàng không được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng nhưng SSI cho rằng vẫn duy trì ở mức thấp hoặc âm, do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, trong khi doanh thu từ khách quốc tế sẽ phục hồi từ từ và bối cảnh ngành sẽ khá cạnh tranh trong giai đoạn đầu mở cửa lại.
Ngoài ra, một số biện pháp tiết kiệm chi phí, như khấu hao theo giờ bay trong Covid-19 có thể không còn hiệu quả khi bước vào giai đoạn phục hồi, thêm một áp lực chi phí đối với các hãng hàng không.