Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái, với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các nước thành viên EU.
Trong đó, 5 thị trường lớn nhất của EU là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy và Pháp, chiếm tới 72% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, hầu hết các mặt hàng chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng, chỉ trừ cá tra. Đặc biệt, xuất khẩu nghêu đã có sự tăng trưởng mạnh nhất, tăng 42% và trở thành loài thủy sản đứng thứ 4 về giá trị XK sang EU.
Nhờ đã kiểm soát được dịch bệnh và hiệu ứng từ gói kích thích kinh tế, nhu cầu thủy sản tại EU đã tăng trở lại, cùng với lợi thế thuế quan từ hiệp định thương mại tự do EVFTA, đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hầu hết các sản phẩm của Việt Nam tới thị trường này.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm với kim ngạch 613 triệu USD, tăng gần 19% và chiếm tới 57% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Các thị trường lớn trong khối đều tăng nhập khẩu mặt hàng này, trong đó, xuất khẩu sang Hà Lan tăng 10%, sang Đức tăng 25% và sang Bỉ tăng 19%.
Bên cạnh tôm chân trắng, tôm sú cũng đã có sự phục hồi so với năm trước, khi xuất khẩu tôm chân trắng sang Đức tăng mạnh 28%, còn tôm sú tăng 54% kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan.
Đứng thứ 2 là mặt hàng cá ngừ với trên 144 triệu USD, tăng 6,4%, chiếm hơn 13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Năm nay, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với cá ngừ loin/phile đông lạnh là cao nhất, chiếm 44% lượng cá nhập khẩu, kế đến là cá ngừ chế biến khác ngoài cá hộp.
Sản phẩm này cũng đang có sự tăng trưởng mạnh trong cơ cấu xuất khẩu, tăng 43%, trong khi đí, xuất khẩu cá ngừ tươi giảm 18% so với năm trước. Tuy nhiên, tại các thị trường chính là Tây Ban Nha và Đức, kim ngạch xuất khẩu lại giảm, chỉ xuất khẩu sang Italy có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, mặt hàng cá tra lại tiếp tục đà sụt giảm từ những năm trước, giảm tới 17% và chỉ chiếm chưa tới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU.
Việc các thị trường chính là Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức đều giảm kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam lần lượt 20%, 23%, 9% và 43% đã gây ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Bên cạnh đó, việc gia tăng chi phí vận chuyển đẩy giá mặt hàng này lên cao đã khiến người tiêu dùng các nước châu Âu không chấp nhận mức giá tăng này đối với mặt hàng cá da trơn mà họ cho là chất lượng không cao. Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam đa phần vẫn xuất khẩu cá tra dưới dạng sản phẩm tô, sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến nên chưa tạo được hứng thú từ người tiêu dùng các nước sở tại.
Có sự đột phá trong năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD. Trong đó, sản phẩm nghêu với kim ngạch xuất khẩu 78 triệu USD, tăng tới 42%, đã vươn lên vị trí thứ 4 về giá trị trong số các loài thủy sản xuất khẩu sang EU. Các thị trường lớn là Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, đều tăng nhập khẩu từ 38-44% mặt hàng này.
Để phát triển tiếp tục trong năm 2022, Việt Nam cần chủ động được nguồn cung đối với các mặt hàng thủy sản, trong đó, có thể kể đến mặt hàng nhuyễn thể. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 380 cơ sở sản xuất giống, với nhu cầu thả nuôi khoảng 20 tỷ con/năm.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ cung cấp được 1/3 nhu cầu, vì vậy, phần lớn nguồn giống cho nuôi thương phẩm vẫn dựa vào khai thác tự nhiên. Hiện tại, Việt Nam vẫn phải đối mặt với việc khai thác quá mức gây cạn kiệt nguồn cung và nuôi trông ồ ạt dẫn đến hủy hoại môi trường. Do vậy, cần có sự cân bằng và có kế hoạch đánh bắt và nuôi trồng hợp lý, áp dụng các phương pháp nuôi trồng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng do nguyên liệu thức ăn tăng cũng gây khó khăn cho người nuôi thủy sản, đẩy giá sản phẩm tăng cao, giảm sự cạnh tranh về giá khi xuất khẩu.