Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Ảnh: quochoi.vn |
Cần có giải pháp cho căn bệnh "sợ trách nhiệm"
Sáng 31/5, thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ phấn khởi về những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo nhưng đại biểu đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
"Cần phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Đồng nghĩa, cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế", đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh |
Đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ 'mắc căn bệnh sợ trách nhiệm'. Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
"Ở bất kỳ cơ quan, đơn vị nào hiện nay cũng tồn tại một số ít cán bộ có tư tưởng sợ vi phạm pháp luật, điều này, các đơn vị này có nhận diện được hay không và xử lý thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu cho rằng trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" cần ưu tiên thay thế cán bộ yếu kém này bằng những người tốt và trách nhiệm. Giống như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẽ vì sự phát triển của cả đội bóng, vì màu cờ sắc áo mà sẵn sàng thay thế bất kỳ cầu thủ nào thi đấu kém hiệu quả, đại biểu Tuấn ví von.
Phải làm rõ bao nhiêu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu tranh luận tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám - đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện tượng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm đã có từ lâu. Tuy nhiên, gần đây có vẻ phức tạp hơn.
Đồng tình với nguyên nhân mà đại biểu Tuấn phát biểu trước đó nêu ra, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, xuất phát từ việc năng lực của một bộ phận cán bộ hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm mà như dân gian ta hay gọi "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Vấn đề đặt ra là phải rà soát, nắm cho được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này Theo báo cáo kết quả đánh giá cán bộ năm 2021, có 1,72% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói báo cáo đánh giá chưa sát thực tế, vì thế đại biểu đề xuất cần rà soát để có con số chính xác và có hướng xử lý, đại biểu nhấn mạnh.
Nêu giải pháp, đại biểu cho rằng, ngoài việc gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, cũng cần cá thể hóa, gắn trách nhiệm với tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi xây dựng văn bản pháp luật.
Song song đó, cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bộ Chính trị có Quyết định 14 rồi, đề nghị Chính phủ sớm cá thể hóa việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.
Đại biểu Tô Văn Tám - đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum |
Quyết liệt xử lý những người đứng đầu
Cũng tranh luận về câu chuyện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh.
Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.
Tính toán cho thấy, năm 2023, nếu hoàn thành giải ngân khối lượng vốn đầu tư công đề ra, có thể góp phần tăng trưởng GDP đến 2%. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2023 mới giải ngân được 14,66%.
Chưa kể, theo quy luật, năm nay là năm thứ ba trong kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn 2021-2025, đáng lẽ càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỷ lệ giải ngân phải cao hơn như thực tế vẫn còn rất thấp.
Mặt khác, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như vậy, trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự, cán bộ mà không làm thì lãnh đạo bị xử lý đến nơi đến chốn. Nhưng cái khó là tham mưu vừa phải đúng quy định pháp luật nhưng cũng phải đúng chỉ đạo của sếp. Nên không xử lý được cán bộ không tham mưu.
Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. "Phải xem lại đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện nhiệm vụ, bao nhiêu người đã cho đứng sang một bên", đại biểu Hạ nhấn mạnh.