Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: AFP |
RT đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled tại Slovakia ngày 29/8, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto cho rằng EU đã “suy yếu quá nhiều” và giờ đây khối này mong muốn các quốc gia Nam Tư cũ gia nhập.
“Thật không may, EU đang trong tình trạng rất tồi tệ”, ông Szijjarto nói, đồng thời mô tả rằng tình hình hiện nay của khối “tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ, về khía cạnh an ninh, kinh tế và cung cấp năng lượng”.
Ngoại trưởng Hungary (thứ 3 từ trái sang) tại Diễn đàn Chiến lược Bled. Ảnh: RT |
Quan chức này cũng cho rằng “một loạt biện pháp thất bại” của EU trong phản ứng với cuộc xung đột Ukraine – Nga đã khiến khối này suy yếu. Trong đó, ông nhấn mạnh việc Brussels đã chọn cung cấp vũ khí cho Kiev đã khiến lục địa này không thể có hòa bình trong 18 tháng qua.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Hungary - quốc gia thành viên NATO và EU - đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Budapest cho rằng các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như mong đợi, ngược lại chúng có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Ngoại trưởng Hungary chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt chống Nga đã bào mòn khả năng cạnh tranh của châu Âu, khiến tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu giảm xuống chỉ còn 17%, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ 9% lên 18%.
Ông cảnh báo rằng bất kỳ chính sách nào của EU nhằm “tách rời hoặc giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách cắt giảm quan hệ kinh tế sẽ chỉ khiến tình hình của khối trở nên khó khăn hơn.
Quan chức này cũng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng an ninh năng lượng của EU là mang tính "ý thức hệ", nhấn mạnh rằng giá năng lượng ở EU đã tăng vọt do các lệnh trừng phạt Nga. Trong đó, Đức đã chứng kiến sản lượng công nghiệp sụt giảm mạnh sau khi đường ống Nord Stream bị phá hoại hồi tháng 9/2022.
Tại lễ khai mạc Diễn đàn Chiến lược Bled hôm 28/9, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel lưu ý rằng EU sẽ sẵn sàng kết nạp thành viên mới vào năm 2030, nếu các bên nộp đơn đáp ứng được một danh sách dài các yêu cầu từ Brussels. Albania, Serbia và một số quốc gia khác - những bên đã chờ đợi hơn một thập kỷ - bày tỏ sự không hài lòng với mốc thời gian mới để được vào EU.