Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: The Hill |
“Đó là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực của Tổng thống Nga Putin. Điều này đặt ra những nghi vấn sâu sắc”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/6 với CBS News.
“Nó (cuộc binh biến) cho thấy những rạn nứt thực sự. Chúng tôi không thể suy đoán hoặc biết chính xác điều gì đã xảy ra. Chúng tôi biết rằng ông Putin còn nhiều điều phải trả lời trong thời gian tới”, ông Blinken nói.
Theo RT, bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đánh dấu phản ứng sâu rộng nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden kể từ khi tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner tổ chức binh biến vào hôm 23/6 tại thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga. Lãnh đạo Wagner Evgeny Prigozhin tuyên bố các binh sĩ bắt đầu "cuộc hành quân đòi công lý" với kế hoạch tiến tới Moscow, trong khi đó chính phủ Nga cho rằng đây là "âm mưu đảo chính".
Lãnh đạo Wagner Evgeny Prigozhin. Ảnh: AFP |
Tổng thống Nga Vladimir Putin trưa ngày 24/6 tuyên bố cuộc binh biến vũ trang của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner được coi là hành động phản quốc và bất cứ ai cầm vũ khí chống lại quân đội Nga sẽ bị trừng phạt.
Ông Prigozhin khi đó tuyên bố họ sẽ không đầu hàng và tiếp tục hành trình tiến đến thủ đô Moscow, buộc quân đội Nga phải mở chiến dịch chống khủng bố tại đây. Tuy nhiên, đến tối 24/6, ông Prigozhin đã đồng ý chấm dứt nổi loạn, rút lực lượng đang tiến đến Moscow trở về doanh trại để "tránh đổ máu".
Điện Kremlin sáng 25/6 thông báo đã đạt được thỏa thuận thông qua nỗ lực dàn xếp trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Trong đó, ông Prigozhin được miễn trừ truy tố hình sự và rời Nga sang Belarus, còn các binh sĩ tham gia binh biến cũng không bị truy tố.
Xe tăng của Wagner tại thành phố Rostov-on-Don. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng tình hình giữa Nga và nhóm binh sĩ Wagner vẫn chưa kết thúc. “Chúng tôi vẫn chưa có kết luận cuối cùng về những gì đã thực sự được thống nhất giữa trùm Wagner Prigozhin và Tổng thống Nga Putin”, ông Blinken cho biết. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao sự việc này”.
Mặt khác, quan chức ngoại giao này cũng cho rằng sự cố Wagner sẽ giúp Ukraine giành được chỗ đứng trong cuộc phản công chống lại lực lượng Nga ở vùng Donbass.
“Ở mức độ nào đó, (sự cố) gây ra sự phân tâm thực sự đối với Tổng thống Putin và chính quyền Nga, rằng họ phải để tâm đến hậu phương của mình, ngay cả khi họ đang cố gắng đối phó với cuộc phản công và Ukraine. Tôi nghĩ điều đó thậm chí còn tạo ra nhiều cơ hội hơn để Ukraine làm tốt hơn trên chiến trường”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken bình luận.
Trong khi đó, tờ New York Times ngày 24/6 đưa tin, các quan chức tình báo Mỹ giấu tên đã tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden và các chỉ huy quân sự đã được thông báo về "dấu hiệu" rằng tập đoàn Wagner đang lên kế hoạch cho một điều gì đó ngay từ hôm 21/6. Khi có thêm thông tin chi tiết, họ đã tổ chức một cuộc họp giao ban khác với sự tham dự của một nhóm các lãnh đạo Quốc hội vào ngày 22/6.
Theo NYT, điều này cho thấy Washington có thể đã biết trước về các sự kiện sắp xảy ra ở Nga, tương tự như việc các cơ quan tình báo Mỹ cũng từng cảnh báo vào cuối năm 2021 rằng Moscow lên kế hoạch cho cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, không công bố thông tin như lần trước, các quan chức tình báo Mỹ được cho là đã giữ im lặng về kế hoạch của ông Prigozhin vì "ngại rằng có thể bị buộc tội dàn dựng cuộc một cuộc đảo chính".
Giới chức Nga chưa phản hồi về các bình luận của Ngoại trưởng Mỹ.
Cũng trong ngày 25/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Ukraine Kiev đã chịu thương vong nặng nề khi họ liên tục tấn công các tuyến phòng thủ của Nga trong 24 giờ qua. Ukraine mất hơn 800 binh sĩ, cũng như hơn chục xe bọc thép và vũ khí khác.
Kiev chưa xác nhận thông tin này.