“Ý tưởng được nêu ra về Greenland rõ ràng không phải là một ý tưởng hay,” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot tại Paris, Pháp, ngày 8/1, theo RT.
Ông Blinken nhấn mạnh: “Điều đó sẽ không xảy ra, vì vậy chúng ta không nên lãng phí thời gian để bàn về nó”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo tại Paris, Pháp, ngày 8/1. Ảnh: AP |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump – người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới – ám chỉ rằng ông không loại trừ khả năng sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và mua lại đảo Greenland.
Trước đó ông Trump nói trong cuộc họp báo tại Mar-a-Largo, Palm Beach, bang Florida, ngày 7/1 rằng: “Có thể chúng ta sẽ phải làm điều gì đó. Kênh đào Panama rất quan trọng đối với đất nước chúng ta. Chúng ta cần Greenland vì mục đích an ninh quốc gia”.
Greenland – hòn đảo lớn nhất thế giới, là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Cuối tháng trước, lãnh đạo Greenland là ông Mute Egede nhấn mạnh rằng hòn đảo này không phải để bán và không muốn tham gia vào cuộc chiến chính trị giữa Mỹ và Đan Mạch. “Greenland thuộc về người dân Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng tôi là công việc của chúng tôi,” ông Egede nói.
Trong cuộc phỏng vấn với với đài truyền hình Đan Mạch TV2 ngày 7/1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất và thân cận nhất" của Đan Mạch và bà không tin rằng Washington sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để đảm bảo quyền kiểm soát Greenland.
Bà cũng hoan nghênh Mỹ quan tâm nhiều hơn tới khu vực Bắc Cực, tuy nhiên bà nhấn mạnh rằng điều này “phải được thực hiện theo cách tôn trọng người dân Greenland” và theo cách “cho phép Đan Mạch và Mỹ vẫn hợp tác trong NATO cũng như các phương diện khác”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã ám chỉ rằng nước này muốn thảo luận vấn đề này nhiều hơn với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Trump. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với người Mỹ về cách chúng tôi có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng các tham vọng của Mỹ được thực hiện,” ông Rasmussen nói với các phóng viên.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã nhiều lần đề xuất ý tưởng mua lại Greenland. Ông đã nghiêm túc bình luận về viễn cảnh này và cho rằng chính phủ Đan Mạch cũng muốn bán đi “bất động sản đáng giá” này với Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, tuyên bố này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen.
Trong diễn biến liên quan, hôm 7/1, Donald Trump Jr. - con trai cả của Tổng thống đắc cử Trump, đã đến thăm đảo Greenlang và dành nhiều giờ ở thủ phủ Nuuk. Ông đi cùng một số phụ tá và một đoàn làm phim tài liệu.
Ông Donald Trump không loại trừ sử dụng vũ lực kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama Khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng sử dụng quân đội để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và Greenland hay không, Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump nói với các phóng viên ngày 7/1: "Tôi sẽ không cam kết điều đó". |
Ông Trump cảnh báo thu hồi quyền kiểm soát kênh đào Panama Ngày 22/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tái khẳng định quyền kiểm soát của Mỹ đối với Kênh đào Panama và đồng thời cáo buộc nước này tính phí quá cao – các tuyên bố vấp phải sự phản đối gay gắt của Tổng thống Panama Jose Raul Mulino. |