Ngoại trưởng Nga: Moscow luôn sẵn sàng đối thoại chấm dứt xung đột

XUNG ĐỘT Nga - Ukraine
18:13 - 23/01/2024
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa bao giờ đóng cánh cửa đối thoại nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine với các bên “thực sự quan tâm tới công lý”, trong đó bao gồm cả công lý trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS News tại New York – nơi ông tới để tham dự vào các cuộc họp của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine và Trung Đông, ông Lavrov đã đưa ra một số tuyên bố về vấn đề đàm phán hòa bình với Ukraine.

Theo hãng tin RT trích dẫn, ông bác bỏ tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Davos, người cho rằng Moscow đã không thể hiện “sự sẵn lòng tham gia, đàm phán một cách thiện chí” để chấm dứt xung đột với Kiev.

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng “điều này là không đúng”, đồng thời cho biết thêm rằng Nga luôn sẵn sàng thảo luận về “bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào” nhằm giải quyết tình hình trên thực địa và nguyên nhân sâu xa của xung đột. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nêu rõ Moscow luôn sẵn sàng đạt được một giải pháp “đảm bảo lợi ích quốc gia hợp pháp của Nga và người dân Ukraine”.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Moscow sẵn sàng lắng nghe bất kỳ ý kiến nào liên quan đến việc thiết lập “công lý” trong quan hệ giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, ông cho biết điều này sẽ đòi hỏi các quốc gia phương Tây phải chấm dứt chính sách “sử dụng Ukraine như một công cụ nhằm chống lại Nga”.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột tới từ các mối lo ngại của Nga khi NATO mở rộng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cảnh báo công khai từ năm 2008 rằng sự mở rộng đi ngược lại mọi lời hứa trước đó của NATO đã đi quá xa”. Trước đó trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh năm 2008 ở Bucharest, các nhà lãnh đạo NATO đã tuyên bố rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành một phần của liên minh quân sự. Động thái này đã làm dấy lên phản ứng dữ dội từ Nga – quốc gia luôn coi việc khối quân sự này mở rộng tới gần biên giới của mình là một mối đe dọa an ninh hiện hữu.

Tới tháng 12/2021, vài tuần trước khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, Moscow đã đệ trình một dự thảo đảm bảo an ninh cho Mỹ và NATO. Dự thảo này yêu cầu phương Tây cấm Ukraine gia nhập khối nhưng đã bị bác bỏ.

Tới 24/2/2022, Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine. Trong quá trình giao tranh kéo dài, các quan chức từ Moscow và Kiev đã có thời điểm gần đạt được thỏa thuận hòa bình, trong đó yêu cầu chính của Nga là nước láng giếng tái cam kết duy trì tình trạng trung lập và không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gặp thất bại và các nỗ lực nhằm nối lại đàm phán hòa bình giữa hai bên đều không thành công. Tính tới 22/1/2024, giao tranh giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Ukraine vẫn diễn ra dữ dội tại các khu vực Kupyansk, Krasny Liman, Donetsk, Zaporozhye và Kherson.

Kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã tiêu diệt tổng cộng 568 máy bay chiến đấu của Ukraine, 265 máy bay trực thăng, 11.003 máy bay không người lái, 451 hệ thống tên lửa đất đối không, 14.738 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.205 hệ thống tên lửa phóng loạt, 7.822 súng pháo dã chiến và súng cối cùng 17.727 xe cơ giới quân sự đặc biệt.

Đọc tiếp