Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi có thể đàm phán với Nga sau khi họ rút quân khỏi lãnh thổ của chúng tôi, nhưng không phải với Tổng thống Putin”, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/8 với tờ Corriere della Sera của Italy.
Nhà ngoại giao Ukraine cho biết, đàm phán có thể đạt được “thông qua sự kết hợp giữa chiến tranh và ngoại giao”. “Các tướng lĩnh của chúng tôi đang giải quyết vấn đề đầu tiên. Nhiệm vụ của họ là kêu gọi Nga rút quân và thuyết phục Nga rằng việc đối thoại tốt hơn đánh nhau”, ông Kuleba nói.
Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng là chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi cùng bàn”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. |
Khi được hỏi rằng liệu quan điểm này có đồng nghĩa với việc leo thang xung đột hay không, Ngoại trưởng Ukraine lập luận rằng “điều tồi tệ nhất đã xảy ra rồi và không gì có thể làm chúng tôi ngạc nhiên nữa” và cuộc chiến đã hoàn toàn diễn ra ngay từ đầu.
“Cuộc phản công sẽ sớm mang lại kết quả cho Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, ông cho hay.
Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine.
Đầu tháng 4/2022, cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đóng băng sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kiev, trong khi Moscow phủ nhận điều này.
Cả hai phía Nga và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong đó Ukraine tuyên bố sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và trao trả các vùng đã bị sáp nhập.
Ngược lại, Nga cáo buộc Ukraine không có ý định đàm phán, đồng thời yêu cầu Ukraine cần phải nhìn nhận thực tế trên chiến trường và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.
Đến tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Kiev tiến hành đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn nắm quyền, nhưng để ngỏ đối thoại với "Tổng thống khác của Nga".
Hôm 5-6/8, hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu, nhưng không có Nga, đã tham gia đối thoại an ninh do Ukraine tổ chức tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Ông Andry Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết họ đã tổ chức các cuộc gặp song phương ở cấp cố vấn an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại về việc thực hiện kế hoạch hòa bình của Ukraine.
Kiev và các đồng minh gọi cuộc đàm phán này là một nỗ lực nhằm đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với các nguyên tắc mà Kiev muốn coi là nền tảng hòa bình, bao gồm việc yêu cầu Nga rút quân và trao trả toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, truyền thông Nga dẫn bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng cuộc đối thoại "phản ánh nỗ lực vô ích của phương Tây", nhằm kêu gọi các nước khu vực Nam bán cầu ủng hộ lập trường của Tổng thống Zelensky.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố cuộc gặp tại Saudi Arabia "sẽ không vô ích nếu nó giúp phương Tây nhận ra rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một ngõ cụt".