Dự án The Terra An Hưng của Văn Phú Invest. Ảnh: VPI |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (mã VPI) ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 165 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 33 tỷ đồng, giảm 92%.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 33 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 2/2023. Ngược chiều, chi phí tài chính giảm mạnh 79% về 31 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay với 30 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý đều giảm mạnh.
Công ty còn có thêm gần 11 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Tuy nhiên do doanh thu giảm mạnh nên Văn Phú Invest ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 27 tỷ đồng.
Theo giải trình của VPI, trong quý 2/2023, công ty ghi nhận lợi nhuận chủ yếu từ việc bàn giao các sản phẩm thuộc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu biệt thự Hùng Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Trong quý 2/2024, ngoài việc ghi nhận doanh thu từ dự án The Terra Bắc Giang, The Terra An Hưng, khu căn hộ khách sạn dịch vụ Hồ Tây, công ty đang tiếp tục triển khai các dự án tại Bắc Giang và Hải Phòng. Các dự án này dự kiến bàn giao sản phẩm trong các quý tiếp theo. Do đó lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 giảm mạnh so với quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Văn Phú Invest mang về 292 tỷ đồng doanh thu, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, 76%.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2023. Tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 22%, ở mức 350 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, công ty mới thực hiện được 28% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi tháng 4 năm nay, lý giải việc đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại “đi lùi”, CEO VPI Triệu Hữu Đại cho biết, năm 2022 Văn Phú Invest mở bán dự án Vlasta Sầm Sơn đón đúng điểm rơi thuận lợi của thị trường, tạo nguồn thu tốt giúp năm 2023 có biên lợi nhuận cao.
Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm 2022 và 2023 khi các dự án tại Bắc Giang đủ điều kiện bán hàng thì thị trường bất động sản gặp khó khăn, dẫn tới bán hàng chậm hơn kế hoạch, tồn đọng sản phẩm, kéo theo chi phí tài chính phát sinh. “Giá vốn dự án tăng lên ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của năm 2024,” ông Đại giải thích với cổ đông.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2024, Văn Phú Invest có tổng tài sản 11.790 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Giảm đáng kể là các khoản phải thu ngắn hạn, từ hơn 2.000 tỷ đồng về 1.682 tỷ đồng. Bất động sản đầu tư cũng giảm hơn một nửa, về mức 321 tỷ đồng.
Ngược lại, công ty tăng nắm giữ tiền mặt và các khoản tiền gửi, giá trị đạt hơn 435 tỷ đồng, so với đầu năm chỉ gần 200 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Văn Phú Invest ở mức 7.727 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là vay nợ, với 2.158 tỷ đồng vay ngắn hạn và 4.061 tỷ đồng vay dài hạn. Tổng vay nợ là hơn 6.200 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn.
Trái với kết quả kinh doanh kém sắc, cổ phiếu VPI lại là một trong số ít mã ngược dòng lập đỉnh trong giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua, với mức cao nhất là hơn 58.000 đồng/cp, xác lập vào tuần trước.