Người biểu tình tụ tập ở khu vực Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq, ngày 20/7. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, một loạt video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người tụ tập xung quanh Đại sứ quán Thụy Điển vào khoảng 1h sáng 20/7, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ giáo sĩ dòng Shi’ite Muqtada Sadr và xông vào khuôn viên của tòa nhà.
Các video sau đó quay lại cảnh khói và lửa bốc lên từ một tòa nhà trong khu đại sứ quán. Giới chức Iraq đã huy động cảnh sát chống bạo động để đối phó với tình hình bất ổn.
Người biểu tình xông vào Đại sứ quán Thụy Điển. Video: Telegram @One Baghdad |
Ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Iraq đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao. Trong một tuyên bố, bộ này cho biết: “Chính phủ Iraq đã chỉ thị cho các cơ quan an ninh tiến hành cuộc điều tra khẩn cấp và thực hiện các biện pháp an ninh cần thiết về vụ việc, buộc những người phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Trong khi đó, Văn phòng báo chí của Bộ Ngoại giao Thụy Điển tuyên bố: “Chúng tôi lên án tất cả vụ tấn công nhắm vào quan chức ngoại giao và nhân viên các tổ chức quốc tế. Việc tấn công đại sứ quán và nhà ngoại giao cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna. Chính quyền Iraq chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao và nhân viên”.
Bộ này cũng biết các nhân viên đại sứ quán tại Iraq “vẫn an toàn” sau vụ việc.
Người biểu tình tại khu vực Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad, ngày 20/7. Ảnh: Reuters |
Các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad diễn ra sau khi có thông tin cảnh sát Thụy Điển chấp thuận đơn đăng ký tổ chức cuộc tụ tập ở bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở Stockholm vào ngày 20/7. Đơn này cho biết người biểu tình có thể sẽ đốt kinh Koran và quốc kỳ Iraq, theo hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin hôm 19/7.
Theo TT, người tổ chức cuộc biểu tình là Salwan Momika – người tị nạn Iraq ở Thụy Điển. Trước đó, người này đã đốt bản sao kinh Koran trước nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm vào ngày 28/6 – thời điểm diễn ra lễ Eid-al-Adha của hàng triệu tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
Vụ đốt kinh Koran hồi cuối tháng 6 tại Thụy Điển đã khiến các quốc gia Hồi giáo và các tổ chức Hồi giáo lên án. Iran và Kuwait gọi đây là hành động “khiêu khích”, trong khi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Liên đoàn Ả Rập (AL) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều bày tỏ sự lên án mạnh mẽ đối vụ việc này.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian cho biết ông sẽ kiềm chế việc cử đại sứ mới tới Thụy Điển để phản đối vụ đốt kinh sách. Bộ Ngoại giao Iran sau đó đã triệu tập Đại biện lâm thời của Thụy Điển để lên án vụ việc.
Trước đó, vào tháng 1, một vụ đốt kinh Koran đã diễn ra gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khi đó lên án mạnh mẽ vụ việc, đồng thời tuyên bố hành động xúc phạm quyển kinh của người Hồi giáo sẽ cản trở nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 10/7 thông báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đồng ý chuyển đơn xin gia nhập của Thụy Điển cho Quốc hội phê chuẩn, mở đường để quốc gia Bắc Âu tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thành viên thứ 52 của khối.