Nguồn cung xăng dầu ổn định, chiết khấu bán lẻ được duy trì trong tháng 3/2023

Xăng Dầu Việt nAM
17:35 - 30/03/2023
Nguồn cung xăng dầu ổn định, chiết khấu bán lẻ được duy trì trong tháng 3/2023. Ảnh: Quách Sơn.
Nguồn cung xăng dầu ổn định, chiết khấu bán lẻ được duy trì trong tháng 3/2023. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện tại, mức chiết khấu xăng dầu tại miền Bắc từ 700-800 đồng/lít, miền Nam từ 1.000-1.100 đồng/lít, có thời điểm 1.800-2.500 đồng/lít.

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý 1/2023 diễn ra sáng ngày 30/3, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết, sau thời điểm khó khăn về nguồn cung, hiện tại trong quý 1, nguồn cung xăng dầu tương đối ổn định.

Nguyên nhân là do tình trạng một số kho xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối trước đây bị tạm dừng vì chưa kết nối thiết bị đo bồn bể tự động nay đã được khắc phục. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã thực hiện tốt kế hoạch phân giao tổng nguồn do Bộ Công Thương giao nên nguồn cung được cải thiện tương đối ổn định.

Theo thông tin được đăng tải trên báo điện tử của Bộ Công thương ngày 30/3, đại diện Vinpa cho biết, ngoài đảm bảo nguồn cung, chiết khấu cho các đại lý xăng dầu được duy trì. Hiện, mức chiết khấu xăng dầu tại miền Bắc từ 700-800 đồng/lít, miền Nam từ 1.000-1.100 đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 1.800-2.500 đồng/lít, tuỳ mặt hàng. Theo Vinpa, mức chiết khấu này đã giúp doanh nghiệp đại lý bán lẻ xăng dầu bớt đi phần nào khó khăn.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng ghi nhận việc thời gian qua, Bộ Tài chính đã cập nhật một số chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, Hiệp hội mong muốn Nhà nước để doanh nghiệp xăng dầu tự công bố chi phí kinh doanh, Nhà nước chỉ công bố giá thế giới, lợi nhuận định mức, mức chi quỹ bình ổn…

Việc này sẽ giúp cơ quan quản lý đỡ vất vả, giúp tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp theo đúng nền kinh tế thị trường. Đồng thời, giúp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp có một chi phí xăng dầu khác nhau.

Về tín dụng đối với xăng dầu, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối tháng 12, tổng hạn mức tín dụng của 27 ngân hàng thương mại cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là 96.000 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Nguyên nhân bởi trong quý 1/2023, doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn nhưng nhìn chung, bức tranh tài chính của doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa khả quan do tình trạng thua lỗ nặng nề suốt năm 2022. Rất nhiều doanh nghiệp chưa vực dậy được và thậm chí, có doanh nghiệp xin giải thể. Một số doanh nghiệp khác, hàng về đến cảng nhưng không được thông quan.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu tiếp cận vốn. Song trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo sát sao hơn về chính sách tín dụng để giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.

“Bên cạnh đó, nới lỏng điều kiện cho vay, lãi suất; cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp đầu mối mà còn cả thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý. Đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp được giãn nợ thuế, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn như hiện tại", đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp