Nhận định: Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023

NGÂN HÀNG VDSC
21:31 - 02/01/2023
Nhận định: Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, cơn lốc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạm lắng trong năm 2023 với triển vọng các bước tăng thấp hơn và mức độ dự đoán tốt hơn.

Trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có vẻ sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023, VDSC nhận định.

Nguyên nhân, theo báo cáo nêu trên, do chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách đa mục tiêu, có những cặp mục tiêu là song hành (tỷ giá và lạm phát) nhưng cũng có những mục tiêu xung đột (tỷ giá và lãi suất).

Trong khi năm 2022, ưu tiên của chính sách tiền tệ là kiềm giữ đà tăng của tỷ giá trước áp lực từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh, kiềm chế lạm phát hầu như là thông điệp xuyên suốt. Từ quý IV/2022, ưu tiên bắt đầu chuyển sang việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống và kiểm soát cuộc đua lãi suất huy động.

Nhưng đến năm 2023, VDSC cho rằng, ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).

Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.

''Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023'', báo cáo viết.

Lãi suất huy động tiếp tục phân hoá

Tính đến đầu tháng 12/2022, bình quân lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng từ 2,0-2,5 điểm % so với giai đoạn cuối năm 2021 và cao hơn 0,6-1,2 điểm % so với thời điểm trước Covid-19.

Trong đó, mức tăng cao nhất là ở các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Trước đà tăng của lãi suất huy động, VDSC dự báo, năm 2023 lãi suất tại các ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hoá. Nguyên nhân do cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân để giải quyết vấn đề thanh khoản cùng với định hướng điều hành NHNN trong việc điều hướng đà tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Một nguyên nhân khác là do cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi chấp nhận dịch chuyển đến nơi có lãi suất tiền gửi thấp hơn để hạn chế rủi ro sau sự kiện SCB.

Trước sự phân hoá giữa các ngân hàng, chuyên gia VDSC kỳ vọng, năm 2023 tiền gửi khu vực dân cư hồi phục nhờ lãi suất huy động tăng, bong bóng đầu cơ đất đai xẹp, kênh đầu tư vàng, USD hạ nhiệt và thị trường tài sản (trái phiếu, cổ phiếu) giảm đi tính hấp dẫn do nhà đầu tư cân đối lại kỳ vọng lợi nhuận/rủi ro.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Vàng SJC chưa ‘nguội’

Giá vàng miếng đang niêm yết tại mốc 84 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn giữ ở mức cao gần 77 triệu đồng/lượng.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.