Nhãn mác sinh thái trở thành giấy thông hành tại Bắc Âu

Thương Mại Bắc Âu
14:18 - 13/08/2022
Nhãn mác sinh thái trở thành giấy thông hành tại Bắc Âu
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó nhãn mác sinh thái trở thành thước đo xanh cho sản phẩm, sở hữu dán nhãn này thì hàng của doanh nghiệp Việt sẽ dễ dàng tiêu thụ hơn.

Phát biểu tại hội thảo "Phổ biến thông tin thị trường và kết nối với các hệ thống phân phối khu vực EU" do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) chủ trì, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy) cho biết, thị trường Bắc Âu là khu vực có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn, trung bình 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Bên cạnh đó, Bắc Âu còn là khu vực có ít sự cạnh tranh vì đây được coi là thị trường ngách tại châu Âu. Bà Thúy cho biết, một số doanh nghiệp tiến tới thành công bằng cách bắt đầu phát triển từ thị trường ngách với các bước tiến chậm rãi mà chắc chắn.

“Có thể ví dụ, nếu hầu hết đồ dùng đều được sản xuất để phục vụ người thuận tay phải. Doanh nghiệp đã mở chuỗi bán lẻ, sản xuất đồ cho 10% dân số thuận tay trái thôi cũng sẽ phát triển rất tốt. Bởi thị trường ngách tạo ra sự cạnh tranh ít hơn”, bà Thúy ví von.

Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận thị trường. Sau hai năm thực hiện, xuất khẩu hàng hóa sang các nước tại Bắc Âu đã ghi nhận sự tăng trưởng lạc quan, từ 1,7 tỷ USD năm 2020 lên 2,1 tỷ USD lên 2021, tương ứng tăng 24%.

Hiện một số doanh nghiệp Bắc Âu cũng đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 1,32 tỷ USD (sau Singapore 4,1 tỷ USD và Hàn Quốc 2,66 tỷ USD). Sự vươn lên của Đan Mạch trong bảng xếp hạng FDI vào Việt Nam phần nhiều đến từ dự án của LEGO được cấp phép hồi tháng 3/2022, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế và cơ hội nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn chưa thực sự chiếm lĩnh được thị trường Bắc Âu này.

Dù là quốc gia trong khối ASEAN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Bắc Âu nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại đây mới chỉ chiếm chưa tới 1%.

Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp hiện chỉ tập trung vào các thị trường phía tây châu Âu. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó 7 nước phía Tây Âu chiếm tới 31 tỷ USD, tương ứng chiếm 80%. Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu sang Áo (thị trường nhập khẩu trung bình khoảng 200 tỷ USD hàng hóa mỗi năm) đạt 3,2 tỷ USD thì sang khu vực Bắc Âu (thuộc EU) chỉ đạt 2,1 tỷ USD.

Ngoài ra còn do nhiều doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng của người Bắc Âu.

Nhãn mác sinh thái trở thành thước đo xanh cho sản phẩm

Chia sẻ rõ hơn về nhu cầu hàng hóa của người Bắc Âu, bà Thúy cho biết, người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thay thế đồ dùng một lần để bảo vệ môi trường. Hiện nay, khu vực này đang có dần bỏ qua “văn hóa tiêu thụ loại bỏ”, thay thế từ nền kinh tế tạo rác sang nền kinh tế tuần hoàn.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nếu muốn tìm hiểu thị trường này cần đặc biệt lưu ý đến nhãn mác sinh thái. Hiện nay, người tiêu dùng Bắc Âu rất quan tâm đến nhãn mác sinh thái, trong đó nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc - Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.

Một số nhãn mác sinh thái được quốc tế công nhận.

Một số nhãn mác sinh thái được quốc tế công nhận.

Một số quy định mới liên quan đến bảo vệ môi trường đã được đưa ra, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Hiện nay, mỗi người dân Bắc Âu trung bình mua 13–16 kg hàng dệt may mới mỗi năm. Do vậy, phía chính phủ các nước Bắc Âu đã được đưa ra một loạt các quy định nhằm hạn chế ảnh hưởng của sản phẩm dệt may khu vực đến môi trường như yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp, độ bền và chất lượng sản phẩm phải cao hơn, thiết kế để tái chế, không sử dụng một số loại hóa chất bị cấm…

Các yêu cầu mới đối với thiết kế sản phẩm tập trung vào chất lượng, tuổi thọ và lệnh cấm bán phá giá quần áo dư thừa. Điều này đã vô hình chung tác động đến các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào Bắc Âu, trong đó bao gồm Việt Nam.

"Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu đang nỗ lực giảm tác động đến môi trường, từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Thông qua nhãn sinh thái, cơ quan hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tốt nhất với môi trường. Do vậy, sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng…"

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại tại Thụy Điển

Đối với thực phẩm, người dân Bắc Âu khá ưa chuộng sản phẩm hữu cơ, tăng tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, các sản phẩm thực vật có hàm lượng protein cao.

Đối với hàng tiêu dùng, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Thụy Điển và 7 quốc gia khác tại châu Âu đã ký thư kêu gọi Ủy ban châu Âu ấn định thời gian loại bỏ dần các hóa chất nguy hiểm ra khỏi sản phẩm tiêu dùng.

Thuỵ Điển và các quốc gia này nhấn mạnh rằng các sản phẩm như đồ dùng trẻ em, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ nội thất, và quần áo hiện vẫn được phép chứa một tỷ lệ các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ, đặc biệt là thai nhi và trẻ em. Do đó, đề xuất về các quy định mới liên quan đến kiểm soát hoá chất mà Uỷ ban dự định đưa ra vào đầu năm 2023 phải có lệnh cấm rộng rãi đối với các chất này để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ nhất.

Các nước này cũng đề xuất trao cho các quốc gia thành viên quyền mở rộng để thực hiện các biện pháp ở cấp độ EU nhằm chống lại các chất độc hại.

Thương mại giữa Việt Nam – Bắc Âu vẫn còn nhiều khoảng trống, đặc biệt khi đây được coi là thị trường ngách tại châu Âu, hàng Việt sẽ ít có sự cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế từ các FTA như EVFTA…, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề “xanh hóa”, sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường là rào cản lớn, kìm chân doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài trong việc sản xuất hàng hóa, để từ đó có thể tiếp cận và đứng vững tại khu vực này.

Tin liên quan

Đọc tiếp