Tàu chở dầu Sun Arrows chở LNG từ dự án Sakhalin-2 ở cảng Prigorodnoye, Nga ngày 29/10/2021. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP, IEEFA đã trích dẫn dữ liệu từ Kpler, công ty theo dõi việc vận chuyển và ICIS, nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa để đưa ra phân tích của riêng mình. Cụ thể, phân tích cho thấy các công ty Pháp đã nhập khẩu gần 4,4 tỷ mét khối LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) của Nga trong nửa đầu năm nay, cao hơn gấp đôi so với ngưỡng hơn 2 tỷ mét khối cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc gia tăng nhập khẩu từ Nga, Pháp cũng đang nhập khẩu ít hơn từ các nhà cung cấp khác bao gồm Mỹ, Angola, Cameroon, Ai Cập và Nigeria – với số lượng chênh lệch gần bằng mức tăng trong nhập khẩu LNG từ Nga, theo phân tích của IEEFA.
Lượng khí đốt bổ sung này không được các hộ gia đình hoặc ngành công nghiệp Pháp sử dụng do nhu cầu ở Pháp đã giảm 9% trong nửa đầu năm nay so với năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Pháp sang Bỉ đã tăng gần 10% trong 6 tháng đầu năm, theo Kpler.
Trả lời hãng tin AP, Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp cho biết các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Suez đã khiến hoạt động vận chuyển LNG phải định hình lại. Khí đốt từ Trung Đông không còn có thể dễ dàng tới châu Âu, trong khi tuyến đường vận chuyển khí tốt của Nga từ Bắc Cực không bị ảnh hưởng.
Về phía TotalEnergies – công ty chiếm thị phần nhập khẩu LNG từ Nga lớn nhất tại Pháp trong nửa đầu năm 2024, gã khổng lồ năng lượng trả lời hãng tin AP trong một email rằng mình bị ràng buộc về mặt pháp lý từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Dự án LNG lớn nhất của Nga nằm ở Bán đảo Yamal là một liên doanh với TotalEnergies. Theo hợp đồng ký năm 2018, TotalEnergies cam kết mua 4 triệu tấn khí đốt từ nơi này hàng năm.
TotalEnergies cho biết qua email rằng mình bị ràng buộc về mặt pháp lý phải tôn trọng các hợp đồng của mình và sẽ làm như vậy “miễn là các chính phủ châu Âu cho rằng khí đốt của Nga là cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu”. Công ty nhấn mạnh rằng chỉ khi các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng thì việc mua bán mới có thể bị đình chỉ, đồng thời cho biết nhập khẩu LNG của Nga vào châu Âu thực tế đã giảm trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
Sau Pháp, các nhà nhập khẩu LNG từ Nga lớn nhất tại châu Âu lần lượt là Tây Ban Nha và Bỉ. Pháp và Tây Ban Nha – mỗi quốc gia sở hữu 7 cảng LNG - là các điểm nhập khẩu LNG chính của châu Âu. Nhìn chung, các nước EU đã nhập khẩu nhiều hơn 7% LNG của Nga trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo phân tích từ IEEFA.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, châu Âu đã hạn chế nhập khẩu dầu cùng các sản phẩm dầu mỏ của Nga, tuy nhiên khí đốt tự nhiên vẫn là mặt hàng được phép nhập khẩu. Các chính phủ châu Âu cho biết việc cấm hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ khiến hóa đơn năng lượng và sưởi ấm tăng vọt và những người sử dụng khí đốt công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhận định về các phân tích, ông Oleh Savytskyi, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Razom We Stand - tổ chức vận động cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga - cho biết mục tiêu của EU về loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 là “hoàn toàn sai lầm”.
Ông cho rằng các quốc gia mua LNG của Nga đang phá hoại quá trình chuyển đổi năng lượng của lục địa này và đồng thời tiếp tục đóng góp hàng tỷ USD cho nỗ lực duy trì giao tranh của Nga.
Do đó, ông kêu gọi EU thực hiện lệnh cấm vận hoàn toàn đối với mặt hàng này. Ông khẳng định rằng TotalEnergies “không có quyền khiến châu Âu bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.