Ảnh minh họa: PAN Group |
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng/bè. Diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Diện tích nuôi cá biển khoảng 11.000 ha và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu mét khối lồng, sản lượng 2.500 tấn.
Đánh giá về tiềm năng ngành nuôi biển, tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” diễn ra sáng ngày 25/11 tại Khánh Hòa do Cục Thủy sản phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Theo Thứ trưởng, hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được phát huy trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề của ngành nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều; quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho vấn đề giao mặt nước biển…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam |
Ở góc độ địa phương, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nuôi biển của Khánh Hòa có nhiều thuận lợi và đóng góp nhiều vào phát triển chung của tỉnh và đang mong muốn sẽ phát triển theo hướng nuôi trồng công nghệ cao.
Tuy nhiên, Khánh Hòa cũng đang gặp một số vấn đề, ví dụ hạn chế về diện tích mới để thu hút đầu tư và phải đẩy ra xa bờ, điều này sẽ đòi hỏi về chi phí và công nghệ. Bên cạnh đó là khó khăn trong sắp xếp lại vùng nuôi tôm hùm, làm sao để có được sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền để giảm mật độ hay đăng ký vị trí nuôi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm. Từ năm 2019 đến nay, Bộ chưa giao được một khu vực biển nuôi trồng thủy sản nào, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh cũng chưa có một quyết định nào.
"Nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu như tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đang sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao theo quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật về giao khu vực biển”, ông Huyên cho biết.
Điều này gây ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nuôi biển, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo.
Ông Nguyễn Thanh Huyên tại Hội nghị. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam |
Đề xuất giải pháp trước thực trạng của ngành nuôi biển Việt Nam tại hội nghị do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Huyên cho rằng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển cần xác định rõ khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển và thể hiện trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm căn cứ giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thủy sản và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
UBND các tỉnh có biển khẩn trương rà soát, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển nhưng chưa được giao khu vực biển thực hiện thủ tục công nhận, đề nghị giao khu vực biển theo đúng quy định. Đồng thời có phương án quy hoạch, sắp xếp, di chuyển, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định việc làm, đời sống cho các hộ gia đình, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên biển…
Cần sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng khu vực biển theo quy định. Cần xem xét, ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính cho các hoạt động phục vụ công tác giao, quản lý sử dụng khu vực biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản trên biển, triển khai thực hiện các quy hoạch trên biển. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về giao, sử dụng khu vực biển nói chung và giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển sớm tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Huyên cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định quy định về thế chấp cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực ven biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản.