Nhiều nước NATO từ chối kế hoạch đưa quân tới Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
09:16 - 28/02/2024
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
NATO, Mỹ và nhiều đồng minh chủ chốt châu Âu khẳng định không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng khối quân sự không loại trừ khả năng này.

“Các đồng minh của NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine. Chúng tôi đã thực hiện điều đó kể từ năm 2014 và tăng cường hỗ trợ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch nào cho lực lượng chiến đấu của NATO trên thực địa ở Ukraine,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định trong cuộc phỏng vấn ngày 27/2 với AP.

Đây là tuyên bố được người đứng đầu NATO đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/2 cho biết phương Tây không loại trừ khả năng sẽ đưa quân đến Ukraine trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

“Hiện chưa có sự đồng thuận chính thức nào về việc đưa quân đến thực địa. Nhưng xét về mặt động lực thì không thể loại trừ khả năng nào. Chúng tôi sẽ làm làm mọi thứ cần thiết để Nga không thể thắng trong cuộc chiến này,” ông Macron nói sau cuộc họp với khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris.

Tuy nhiên, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không gửi quân tới Ukraine, thay vào đó kêu gọi kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ an ninh đang bị đình trệ nhằm đảm bảo quân đội Ukraine có vũ khí và đạn dược cần thiết để tiếp tục chiến đấu, theo Reuters.

Lãnh đạo Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Czech, Thụy Điển, Slovakia, Hungary, Italy cũng từ chối ý tưởng này.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Freiburg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Sẽ không có bộ binh hay binh sĩ nào từ các nước châu Âu hoặc từ các thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine”. Ông cũng nêu rõ rằng các quân nhân phương Tây đang tại ngũ bị cấm tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Ngoài số lượng nhỏ nhân sự của đất nước tham gia hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine, chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào để thực hiện một cuộc triển khai quy mô lớn”.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristerson nói với đài SVT rằng, việc triển khai quân đội tới Ukraine vào thời điểm hiện tại là “hoàn toàn không có khả năng” vì nước này đang có kế hoạch gửi các khí tài tiên tiến đến Ukraine. Tuần trước, Stockholm đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 7,1 tỷ Kronor (682 triệu USD) cho Kiev. Ông Kristersson cho biết hiện tại Ukraine cũng “không có nhu cầu” về lực lượng bộ binh phương Tây.

Tại cuộc họp báo chung ở Praha (Czech), Thủ tướng Czech Petr Fiala và người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk đều nhấn mạnh quan điểm họ “không có kế hoạch đưa quân tới lãnh thổ Ukraine”. Ông Fiala tuyên bố rằng nếu tất cả các quốc gia thành viên EU đều cam kết giúp đỡ Kiev như Praha và Warsaw thì họ sẽ không cần phải thảo luận về các hình thức hỗ trợ khác.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik

Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cảnh báo rằng, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO có thể sẽ trở nên không thể tránh khỏi nếu các quốc gia thành viên trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu gửi quân tới Ukraine.

Ông Peskov cho biết những bên phản đối bình luận của Tổng thống Pháp “đã đánh giá tỉnh táo về những rủi ro tiềm ẩn” khi triển khai lực lượng NATO ở Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng kịch bản phương Tây triển khai quân tại Ukraine là “hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia và dân tộc của nước đó”.

Về phía Pháp, Ngoại trưởng Stephane Sejourne sau đó đã làm rõ hơn phát ngôn của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông nói rằng phương Tây có thể điều quân đến Ukraine để hỗ trợ quân đội Kiev chứ không phải trực tiếp tham chiến.

“Những hành động đó phải đáp ứng nhu cầu rất cụ thể, đặc biệt là rà phá bom mìn, phòng thủ trên không gian mạng, sản xuất vũ khí tại Ukraine,” ông nói. Quan chức này nhấn mạnh rằng một số hoạt động nói trên “có thể yêu cầu hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu”.

Mặt khác, ông nói rằng: “Chúng tôi không loại trừ điều gì. Và đây đã và vẫn là quan điểm của Tổng thống Pháp cho tới nay”.

Tin liên quan

Đọc tiếp