Nhóm xây dựng và bất động sản phân hóa. |
Phiên cuối tuần (10/5), thị trường giao dịch giằng co với thanh khoản thấp. Có thời điểm, bên bán áp đảo khiến chỉ số mất hơn 10 điểm. Đến cuối phiên chiều, nguồn cung tiết chế hơn giúp VN-Index “rút chân” đáng kể, đóng cửa ở mốc 1.244,7 điểm, giảm gần 4 điểm so với phiên hôm qua. HNX-Index tăng 1,1 điểm trong khi UPCoM giảm 0,19 điểm.
Thanh khoản sụt giảm, giá trị khớp lệnh trên cả ba sàn đạt hơn 17.400 tỷ đồng. Riêng khối ngoại chiếm hơn 3.000 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên sàn HoSE. VHM vẫn là cái tên bị bán ròng mạnh nhất, giá trị 193 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có DGC 61 tỷ đồng, VPB 55 tỷ đồng, FPT 50 tỷ đồng, VCI 47 tỷ đồng, VRE 45 tỷ đồng; GMD, STB 30 tỷ đồng…
Chiều mua ròng dẫn đầu là MWG 71 tỷ đồng, tiếp theo là TCB 61 tỷ đồng, PVT 49 tỷ đồng, DIG 31 tỷ đồng; DCM, KDH 20 tỷ đồng; DBC, MBB, SSI, PLX trên 10 tỷ đồng…
VN30 giảm 4 điểm, lùi về mốc 1.277,47 điểm. Hầu hết các mã đều kết phiên trong sắc đỏ, nhưng biên độ giảm hẹp. Chỉ có vài mã giảm hơn 1%, gồm BCM -1,7%, POW -1,4%, SHB -1,3%, VHM -1,5%, VPB -1,3%, VRE -1,5%. Chiều tăng có ACB, FPT, SSI, TCB, với mức tăng không đáng kể. HDB, HPG, MWG, SAB đứng tham chiếu.
Thị trường chịu áp lực giảm do các nhóm chủ chốt vẫn chưa thu hút dòng tiền trở lại. Nhóm ngân hàng đa số giảm giá, tuy nhiên mức độ điều chỉnh cũng không lớn. Giảm mạnh chỉ có VBB -4,2%. Chiều tăng có ACB, BAB, LPB, NVB, TCB, trong đó có NVB tăng hơn 2%, còn lại đều dưới 1%.
Nhóm chứng khoán tích cực hơn nhưng cũng không có nhiều mã đột phá. Chiều tăng ghi nhận ở VND +1%, VIX +1,4%, SSI +0,7%, SHS +1,1%, HCM +0,7%, BVS +7,8%, CSI +3%, CTS +4,4%, TCI +3,4%, VFS +2,1%... Chiều giảm có APS, DSC, EVS, IVS, PSI, SBS, TVB, TVC, VCI; trong đó APS giảm sâu nhất -5%, kế đến là EVS -2,7%, TVC -2,2%.
Nhóm xây dựng và bất động sản có diễn biến phân hóa. PDR tăng tích cực 3,9% lên mức giá 25.200 đồng/cp. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để Phát Đạt chốt danh sách cổ đông chào bán 134,3 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện là 5,5:1 (cổ đông nắm giữ 5,5 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu chào bán thêm).
Trong nhóm này, TCH và DPG cũng duy trì đà tăng tốt - tăng hơn 2%. Chiều tăng còn có TIG +4%, DIG +1,8%, NLG +1,4%, DXG +1,2%, AGG +1%; CEO, KOS, CTD, KOS, LCG, NHA, IJC, KHG… tăng nhẹ. Đáng chú ý là HPX tăng trần lên giá 6.420 đồng/cp.
Ngược lại, nhiều mã lớn ở chiều giảm như NVL -1,5%, VHM -1,5%, VRE -1,5%, VCG -1,8%, VIC -0,9%, KBC -0,3%, VPI -0,9%, BCG -0,8%...
Trong khi dòng tiền thờ ơ với các nhóm cổ phiếu chủ chốt thì các nhóm nhỏ với câu chuyện riêng biệt vẫn tích cực. Điển hình là nhóm công nghệ thông tin. Ngoài FPT thì CMG tăng mạnh hơn 6,3%, tiếp tục xác lập mức đỉnh mới ở vùng giá 58.900 đồng/cp. ELC và SGT tăng trần, ICT tăng 4,5%, VGI tăng 1,5%...
Một số cổ phiếu riêng lẻ diễn biến tích cực như TAR, SAM, APH, AAH tăng trần. DBC của Dabaco tăng 6,2% lên giá 30.700 đồng/cp, tăng gần 20% so với thời điểm giữa tháng 4/2024.
HĐQT Dabaco vừa thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Theo đó, DBC sẽ chào bán 80,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1, tương ứng cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán dự kiến là 15.000 đồng/cp, thấp hơn một nửa so với trên thị trường.
Đồng thời, công ty cũng sẽ phát hành 12 triệu cổ ESOP với giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Với 1.330 tỷ đồng thu được, Dabaco dự kiến sẽ sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco giai đoạn 2.