Nhu cầu vốn phát triển xanh đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
14:57 - 16/08/2022
Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững ngày 16/8 - Ảnh: VBF
Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững ngày 16/8 - Ảnh: VBF
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%.

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) tổ chức Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi nền kinh tế trên thế giới. Vì vậy, các quốc gia cần khẩn trương xây dựng các chính sách, kịch bản phù hợp để đối phó, thích ứng với những tác động này.

Ảnh tác giả

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Trong bối cảnh đó, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành; trong đó có NHNN, cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng.

Trong số này có việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh...

Tài chính là yếu tố cốt lõi quyết định quá trình phát triển xanh và phát triển bền vững

Đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của NHNN và các bộ, ban ngành liên quan quan dành cho kênh đối thoại chính sách của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, với định hướng, lộ trình của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.

Ảnh tác giả

Để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính được đánh giá là yếu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này. Sự hỗ trợ của Chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Bên cạnh đó, theo bà Michele Wee, để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án carbon thấp.

Khu vực tư nhân chiếm 50% nhu cầu vốn thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%.

Theo bà Ngọc, để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp là xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững và nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.

Trong khi đó, cũng bàn về giải pháp, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh; ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020).

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững; đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh.

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề xuất cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đọc tiếp