Cổ phiếu của BIDV đã tiến về sát vùng đỉnh lịch sử. |
Tiêu biểu nhất là 2 cổ phiếu lớn ngành ngân hàng, BID của BIDV và VCB của Vietcombank. Sau khi trôi về vùng đáy 66.000 đồng hồi giữa tháng 10 năm ngoái, VCB đã đảo chiều tăng 43% lên mức hơn 94.000 đồng/cp vào phiên 6/2/2023. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. Trước đó, vùng giá cao nhất của VCB là 90.000 đồng xác lập hồi tháng 2/2022. Phiên 15/3, VCB đang giao dịch ở mức giá 91.400 đồng.
Cổ phiếu vượt đỉnh giúp vốn hoá của Vietcombank tăng thêm gần 143.000 tỷ đồng trong vòng 5 tháng, đạt hơn 432.000 tỷ đồng (18,5 tỷ USD). Con số giúp VCB vững vàng ở vị trí vốn hóa lớn nhất toàn sàn chứng khoán và bỏ xa những cái tên phía sau.
Trong năm nay, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tương đương 58,4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành nhằm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Năm 2022, Vietcombank đạt 68.083 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 20% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ đồng) và BIDV (23.058 tỷ đồng).
Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiếu 12% so với năm 2022. Nếu kế hoạch hoàn thành thì VCB sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận với trên 40.000 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu VCB. |
Trong top vốn hóa lớn nhất sàn, BID đứng vị trí thứ 2 với gần 231.000 tỷ đồng. Vốn hóa của BID cũng tăng gần 94.000 tỷ đồng trong 5 tháng qua nhờ cổ phiếu leo về vùng đỉnh lịch sử.
Từ vùng giá 29.000 đồng hồi đầu tháng 10/2022, cổ phiếu của BIDV đã tăng 62% về vùng giá 47.000 đồng vào phiên 6/3/2023. Mức giá này chỉ cách vùng đỉnh 48.000 đồng hồi tháng 2/2022 chút ít. Phiên 15/3, BID đang giao dịch ở mức 45.650 đồng.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng trưởng đến hơn 70% so với năm 2021, đạt gần 23.058 tỷ đồng. BIDV lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 12% - 13%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 11 ở mức ≤1,4%...
Ngoài 2 cổ phiếu lớn ngành ngân hàng, một số mã nhỏ khác cũng âm thầm vượt đỉnh dù thị trường không thuận lợi. Đó là NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2. Vào phiên 27/2/2023, mã này tăng lên sát mốc 30.000 đồng/cp, tương đương với mức đỉnh xác lập hồi tháng 9/2022. Phiên 15/3, mã đang giao dịch ở mức giá 29.300 đồng, tăng 27% so với đáy ngắn hạn hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
NT2 vừa công bố văn bản đính chính lại một vài chỉ tiêu tài chính đã công bố trong báo cáo tài chính quý 4/2022, qua đó giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột phá thêm hơn 154 tỷ đồng. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu và giá vốn của NT2 không có biến động đáng kể, lần lượt là 1.925 tỷ đồng và 1.860 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm đột biến từ 82,3 tỷ đồng xuống âm 115,8 tỷ đồng, tương ứng mức chênh lệch lên tới 198 tỷ đồng.
Sự thay đổi trên đã làm lợi nhuận sau thuế quý 4 của doanh nghiệp tăng đột biến từ mức 5,7 tỷ đồng lên gần 160 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 28 lần. Đối chiếu theo báo cáo tài chính quý 4 đã công bố và đính chính, thay đổi lớn nhất nằm ở khoản dự phòng phải thu khó đòi (từ 239,6 tỷ đồng giảm còn 41,2 tỷ đồng).
ST8 của CTCP Siêu Thanh tăng một mạch từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay. Từ mức giá 7.700 đồng, mã đã tăng tới hơn 170% lên mức sát 20.000 đồng (phiên 15/3); khối lượng giao dịch cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng là mức giá cao nhất mà ST8 đạt được kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2008.
ST8 tăng mạnh trong bối cảnh các thành viên gia đình Chủ tịch Siêu Thanh đồng loạt thoái vốn. Đầu tháng 1/2023, bà Phạm Thị Mai Duyên - vợ Chủ tịch HĐQT ST8 Yung Cam Meng đã đăng ký bán gần 10,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 40% vốn) và đã hoàn tất trong ngày 31/1. Cuối tháng 1/2023, ông David Cam Hao Ong (em trai ruột Chủ tịch) cũng bán ra toàn bộ hơn 6,4 triệu cổ phiếu ST8 (tỷ lệ 25% vốn).
Năm 2022, tổng doanh thu của Siêu Thanh đạt hơn 355 tỷ đồng, gấp 38,6 lần năm 2021 song chỉ tương đương 30% kế hoạch cả năm. Nhờ đột biến quý 3 nên lợi nhuận sau thuế cả năm gấp 13 lần lên 216 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của công ty kể từ khi niêm yết.
APF của Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) cũng đã leo lên mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường UPCoM (76.500 đồng/cp, phiên 15/3), tương ứng mức tăng 33% kể từ cuối tháng 11/2022. Vốn hóa thị trường của APFCO hiện đạt ngưỡng hơn 1.600 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần thời điểm mới chào sàn tháng 6/2017.
APFCO được thành lập từ năm 2003, đến nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này đã đạt gần 7.100 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với 2021 và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động; lãi ròng hơn 366 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần con số năm trước.
Cổ phiếu APF còn hấp dẫn bởi doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao đều đặn hàng chục phần trăm. Trong tháng 3/2023 này, công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương ứng 1.500 đồng/cp. Theo kế hoạch thì mức cổ tức năm 2022 dự kiến là 30-40% bằng tiền mặt.
Năm 2021, APF trả cổ tức 50%, bao gồm 40% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu. Mức cổ tức cho năm 2020 là 50% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu; năm 2019 là 20% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu; năm 2018 là 30% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu... Đỉnh điểm vào năm 2015, doanh nghiệp này chi cổ tức bằng tiền với tỷ lệ đến hơn 66%.