Tại báo cáo tài chính quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã: VBB) ghi nhận, dư nợ xấu của VietBank trong năm 2022 đã tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi khi chiếm 1.814 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ nghi ngờ và dưới tiêu chuẩn đều giảm gần 45%. Năm 2022, cho vay khách hàng tại VietBank tăng mạnh, do đó tỷ lệ nợ xấu của VietBank vẫn duy trì ở mức 3,65% như hồi cuối năm 2021.
Trước đó, trong lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 vào đầu tháng 1/2022, VietBank dự kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 2,5%, trong khi đó kế hoạch đã giao ban đầu là tỷ lệ nợ xấu dưới mức này.
Như vậy, VietBank vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu xuống mức 2,5% như kế hoạch đã đề ra.
Về lợi nhuận kinh doanh, nguồn thu chính tại ngân hàng này là thu nhập lãi thuần sụt giảm mạnh 33% về còn 466 tỷ đồng chủ yếu do chi phí hoạt động dịch vụ tăng cao.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận tình trạng tương tự như kinh doanh ngoại hối tiếp tục thua lỗ gần 7 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 429 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi 85 tỷ đồng. Khoản lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 53% về mức 81 tỷ đồng.
Riêng hoạt động dịch vụ ghi lãi tăng nhẹ 12% lên 37 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ nhích nhẹ lên 373 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm mạnh 77% về còn 92 tỷ đồng.
Kết quả, VietBank mang về 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022, giảm mạnh 52% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2022, thu nhập lãi thuần của VietBank tăng 21% lên 1.802 tỷ đồng. Nhờ giảm dự phòng 37% nên lãi ròng cả năm 2022 của VietBank tăng trưởng nhẹ 2% so năm trước lên 517 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của VietBank tăng hơn 8% lên 111.936 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 63.633 tỷ đồng, tăng trưởng tới gần 26% so đầu năm.
Về nguồn vốn, kết thúc 2022, số dư tiền gửi khách hàng của VietBank cũng tăng trưởng tốt 13,8% lên mức 75.988 tỷ đồng.