CII trấn an cổ đông rằng năm 2022, tình hình kinh doanh của công ty sẽ khả quan hơn. |
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với khoản lỗ đột biến. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, CII báo lỗ ròng 372 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng.
Khoản lỗ chủ yếu là do hoạt động kinh doanh chính giảm sút trong khi chi phí lãi vay giữ ở mức cao. Cụ thể, doanh thu thuần quý IV của CII giảm 73% xuống 644 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng tới 45% lên 481 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Lũy kế cả năm 2021, CII báo lỗ ròng hơn 341 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi 254 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên công ty ghi nhận thua lỗ kể từ khi niêm yết năm 2006. Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty cũng ghi nhận âm gần 890 tỷ đồng.
Trước đó, CII đặt kế hoạch doanh thu 6.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 615 tỷ đồng trong năm 2021. Như vậy, công ty đã "vỡ" kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận.
2021 là năm đầu tiên CII ghi nhận lợi nhuận âm.
Theo giải trình của CII, trong hai quý cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài là nguyên nhân chính khiến doanh thu giảm mạnh. Hai mảng doanh thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng do các trạm BOT dừng thu phí. Còn mảng bất động sản cũng tê liệt từ đền bù, xây dựng đến kinh doanh.
Ngoài ra, theo ban lãnh đạo CII, kết quả trên chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu về, trong đó khoản thu lớn nhất là số tiền hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy. Tuy nhiên, do NBB vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng "lời thật, lỗ giả". Công ty cho biết, lợi nhuận thực hợp nhất là 488 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của CII tại thời điểm 31/12/2021 tăng 5% so với đầu năm, ghi nhận gần 31.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho tăng 44%, lên hơn 4.500 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang (gần 3.800 tỷ đồng). Ngược lại, khoản mục tài sản dở dang dài hạn của công ty lại giảm 71%, còn hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do CII không còn ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại 3 dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà nội, BOT Quốc lộ 60 và Cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ.
CII trấn an cổ đông rằng các khó khăn trong hoạt động kinh doanh của công ty chỉ tạm thời trong ngắn hạn. Khi Covid-19 được kiểm soát, các dự án bất động sản sắp hoàn thành dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2022, các dự án BOT trọng điểm đã và sẽ được đưa vào khai thác bắt đầu từ cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ cải thiện đáng kể tình hình tài chính của CII.
Mặc dù vậy, tin báo lỗ ngày cuối năm của CII vẫn giáng một đòn mạnh vào tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là những người “ôm” cổ phiếu này vào lúc thị giá đạt đỉnh.
CII leo đỉnh nhanh nhưng lao dốc còn tốc độ hơn. |
Năm 2021, CII nằm trong nhóm cổ phiếu tăng sốc nhất khi từ vùng giá 24.000 đồng bứt phá lên đỉnh 58.000 đồng chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, sau sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm. CII được “hưởng lợi” từ sự kiện này là do quỹ đất đối ứng “khủng” từ các dự án hợp đồng BT - đổi đất lấy hạ tầng tại Thủ Thiêm, với danh xưng “trùm đất Thủ Thiêm”.
Kịch bản tương tự lại xảy ra khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, nhưng theo chiều ngược lại. Từ phiên 10/1/2021, CII liên tục rớt giá, nhiều phiên nằm sàn trong tình trạng trắng bên mua. Tốc độ lao dốc còn nhanh hơn leo đỉnh nên chỉ trong hơn 20 ngày, cổ phiếu này đã mất đi hơn một nửa giá trị. Tính ra, nếu nhà đầu tư nào mua vào 2 tỷ đồng lúc CII đạt đỉnh thì nay chỉ còn 1 tỷ đồng. Thật sự là khoản đầu tư quá chua xót.
Đáng chú ý là trái với sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán, khi giá cổ phiếu CII tăng cao, lãnh đạo và cổ đông lớn của CII đã đồng loạt bán ra. Quỹ VIAC (No.1) Limited Partnership bán xong 11 triệu cổ phiếu CII trong thời gian từ đầu tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,5% về 4,89%. Trong thời gian từ ngày 10/1-8/2/2022, cổ đông ngoại này dự kiến tiếp tục bán thêm 5,5 triệu cổ phiếu CII, đưa tỷ lệ sở hữu về 2,59%.
Trong giai đoạn từ 2/11 đến 16/12/2021, nhiều lãnh đạo CII cũng thực hiện "chốt lời" cổ phiếu. Như ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán ra 393.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,332% về còn 0,168% vốn điều lệ; ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư bán ra toàn bộ 180.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,08% về 0%; bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ bán ra toàn bộ gần 291.000 cổ phiếu.