Một cảng cá nhỏ tại Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Theo báo cáo kinh tế - xã hội công bố ngày 6/10 của Tổng cục Thống kê (GSO), diện tích gieo trồng lúa hè thu của cả nước năm nay ước đạt 1,9 triệu ha, giảm 3.600 ha so với vụ hè thu năm 2023. Diện tích lúa hè thu năm nay giảm do ảnh hưởng của hạn hán, nhiễm mặn, nhiều địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ cấu cây trồng và mùa vụ.
Đến ngày 20/9/2024, cả nước thu hoạch được 1,8 triệu ha lúa hè thu, chiếm 94,3% diện tích gieo cấy và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa vụ hè thu năm nay ước đạt 58,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt 11,1 triệu tấn, tăng 77.600 tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa hè thu ước đạt 58,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 8,55 triệu tấn, tăng 27.100 tấn.
Về lúa mùa, tính đến 20/9/2024, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1,46 triệu ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, lúa mùa tại các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn trỗ bông, một số trà lúa sớm ở giai đoạn vào chắc, chín và đã cho thu hoạch 141.900 ha, chiếm 14,2% diện tích gieo cấy và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo GSO, vụ mùa năm nay tại các tỉnh miền Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm mưa lớn kéo dài từ đầu vụ, chịu ảnh hưởng liên tiếp từ hai cơn bão, đặc biệt là bão số 3 và hoàn lưu bão gây úng ngập. Trước tình hình đó, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, đặc biệt đối với vùng ngập úng.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, nhiều diện tích lúa mùa bị mất trắng do ảnh hưởng của bão số 3, trong đó Bắc Giang 16.900 ha; Hải Phòng 10.100 ha; Nam Định 7.800 ha...
Về lúa thu đông, tính đến ngày 20/9/2024 các tỉnh vùng ĐBSCL đã gieo sạ được 626.000 ha lúa thu đông, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích lúa thu đông tăng khá do thời tiết thuận lợi, đủ nước tưới, người dân tranh thủ xuống giống.
Theo báo cáo của GSO, hiện lúa thu đông đang ở giai đoạn trổ đều. Tuy nhiên, nước thủy triều dâng cao có thể ảnh hưởng đến một số diện tích lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Do đó ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác giám sát, theo dõi, thông báo kịp thời tình hình thời tiết, sâu bệnh, đồng thời chuẩn bị các phương tiện cần thiết để bảo vệ diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch.
Về cây trồng, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng một số loại cây như ngô, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao nên nông dân thu hẹp sản xuất.
Tính đến ngày 20/9/2024, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 815.000 ha ngô, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; 74.100 ha khoai lang, tăng 1,8%; 27.900 ha đậu tương, giảm 4,7%; 142.100 ha lạc, giảm 2,3%; 1,02 triệu ha rau đậu các loại, tăng 0,4%. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số địa phương có diện tích rau màu bị mất trắng như Hưng Yên 2.260 ha; Bắc Giang 1.250 ha; Hà Nam 450 ha...
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3,79 triệu ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1,28 triệu ha, tăng 2,2%; nhóm cây công nghiệp đạt 2,18 triệu ha, giảm 0,2%; nhóm cây lấy dầu đạt 201.300 ha, tăng 1,7%.
Diện tích một số cây ăn quả có xu hướng tăng do thị trường xuất khẩu thuận lợi, các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững. Nhiều mô hình xen canh cây ăn quả, phát triển trang trại kết hợp du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một số loại cây có diện tích tăng nhiều như sầu riêng ước đạt 161.600 ha, tăng 14,1%; chanh leo 12.900 ha, tăng 8,4%; mít đạt 85.700 ha, tăng 4,8%...
Về chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò trong 9 tháng năm 2024 có xu hướng giảm. Giá thịt lợn hơi tăng nhưng dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các hộ chăn nuôi.
Chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng trong tháng 9 bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhưng nhìn chung đàn gia cầm cả nước duy trì tăng trưởng ổn định, chăn nuôi gia cầm trong doanh nghiệp tăng trưởng khá, dịch bệnh được kiểm soát.
Dù vậy, theo GSO, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, người chăn nuôi cần kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn; tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Tính đến ngày 28/9/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Bình Phước; dịch lở mồm long móng còn ở Quảng Trị; dịch viêm da nổi cục còn ở 4 địa phương và dịch tả lợn châu Phi còn ở 25 địa phương chưa qua 21 ngày.
Về lâm nghiệp, tính chung 9 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 200.000 ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 71,3 triệu cây, tăng 3,3%.
Sản lượng gỗ khai thác đạt 16 triệu m3, tăng 7% so với cùng kỳ do xuất khẩu sản phẩm gỗ vào các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tăng trưởng tốt, giá gỗ nguyên liệu tăng cao nên người dân đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch.
Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có 1,44 triệu ha rừng bị thiệt hại, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá là 705,3 ha, giảm 23,5%; diện tích rừng bị cháy là 740,4 ha, tăng 10,2%. Riêng diện tích rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 là 190 ha.
Về thủy sản, theo GSO, hoạt động sản xuất thủy sản trong tháng 9 tại các địa phương ven biển phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Trong đó, 35.000 ha và hơn 11.800 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, tập chung chủ yếu ở hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng.
Dù vậy, theo GSO, nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước duy trì tăng trưởng.
Sản lượng thủy sản quý 3/2024 ước đạt 2,63 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 1,61 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Bao gồm, cá tra tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 432.700 tấn chủ yếu do nhu cầu tăng tại một số thị trường và giá cá tra nguyên liệu ổn định.
Sản lượng tôm trong quý 3/2024 cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi siêu thâm canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao. Trong đó, tôm thẻ chân trắng ước đạt 368.700 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 88.200 tấn, tăng 2%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 7,01 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 4,04 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ.