Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính tại MSB trong quý 2 đạt 2.342 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 17% YoY lên hơn 384 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 10% lên 71 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản lãi từ hoạt động khác của ngân hàng này cao gấp gần 7 lần năm ngoái, đạt hơn 746 tỷ đồng. Do đó, MSB thu được 2.784 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 10% YoY.
Trong kỳ, MSB trích hơn 625 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25% so với năm ngoái, kết quả MSB lãi trước thuế gần 2.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng MSB thu được gần 3.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ và thực hiện được 54% mục tiêu 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm.
Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác ghi nhận kết quả cao đột biến, mang về lần lượt 970 tỷ đồng và 570 tỷ đồng, tăng trưởng 110% và 129% so với cùng kỳ 6 tháng năm ngoái.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của MSB mở rộng 11% so với hồi đầu năm, lên 295.537 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 166.398 tỷ đồng, tăng 12%. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước còn 2.923 tỷ đồng, giảm 36% so với con số ghi nhận tại báo cáo tài chính cuối năm 2023.
Phía bên kia bảng cân đối, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá lần lượt tăng 15% và 64% lên 151.742 tỷ đồng và 14.741 tỷ đồng. Số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 40.500 tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ CASA trong tổng cơ cấu nguồn vốn huy động đạt 26,71%, giảm nhẹ so với quý trước, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 6 của MSB ghi nhận là 5.132 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó tăng mạnh tại nợ có khả năng mất vốn 50% lên hơn 2.707 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại MSB tăng từ 2,87% lên 3,08%.