Theo hãng tin AP, Đài quan sát Núi lửa Hawaii của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) sáng sớm ngày 7/6 đã quan sát được các quầng sáng từ các hình ảnh webcam chụp từ đỉnh núi Kilauea, cho thấy một vụ phun trào đang xảy ra bên trong miệng núi lửa. Vào khoảng 4h30 sáng ngày 7/6, các cột dung nham cao tới 46m, tuy nhiên đã giảm xuống còn khoảng 4m tới 9m vào buổi chiều.
Trạng thái của núi lửa Kilauea sau đó đã được nâng lên mức cảnh báo trong khi mã màu hàng không quanh khu vực này chuyển sang màu đỏ do các nhà khoa học cần phải đánh giá vụ phun trào và các mối nguy hiểm liên quan.
Sau khi vụ phun trào xảy ra, cư dân của khu vực Pahala, cách đỉnh Kilauea 30 km, đã báo cáo về sự xuất hiện của một lớp bụi rất nhẹ gồm tro bụi mịn và “tóc của Pele” — các hạt thủy tinh hình thành khi dung nham phun trào từ khe nứt và nhanh chóng nguội đi được đặt tên theo nữ thần của người Hawaii.
Vụ phun trào xảy ra ngày 7/6 nhưng các hoạt động động đất gia tăng và những thay đổi về mô hình biến dạng mặt đất tại đỉnh bắt đầu đã bắt đầu từ đêm ngày 6/6 trước đó, báo hiệu cho sự chuyển động của magma bên dưới bề mặt.
Ông Mike Zoeller, một nhà địa chất của đài quan sát, chia sẻ về các phát hiện sơ bộ: “Hiện tại chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu hoạt động nào trên các khu vực rạn nứt”. Do đó, ông đi tới kết luận vụ phun trào sẽ không diễn biến nghiêm trọng hơn và đe dọa các cộng đồng ở trên đảo thông qua dung nham hoặc những yếu tố tương tự. Cho tới hiện tại, tất cả các hoạt động địa chất này đang diễn ra bên trong một khu vực khép kín của Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii.
Video về vụ phun trào núi lửa Kilauea ngày 7/6 được cung cấp bởi Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. |
Theo phát ngôn viên của Công viên này là bà Jessica Ferracane, tất cả dung nham phun trào sáng nay đều giới hạn trong hõm chảo trên đỉnh núi lửa. Bà cũng khẳng định vẫn còn rất nhiều không gian cho núi lửa phun trào mà không gây ảnh hưởng tới bất kỳ ngôi nhà hay cơ sở hạ tầng nào.
Bà nhận định tầm nhìn Kilauea và đặc biệt là hồ dung nham “rất ngoạn mục” khi dung nham đỏ nóng chảy phun trào mạnh mẽ và “tạo nên khung cảnh ấn tượng”. Hồ dung nham trên miệng núi lửa Kilauea hiện có diện tích khoảng 150ha tính tới 6 giờ sáng ngày 7/6 theo giờ địa phương.
Do đó, bà cho biết các quan chức công viên đang chuẩn bị cho một lượng du khách gia tăng do sẽ có nhiều người muốn tới nơi này để nhìn ngắm núi lửa phun trào từ nhiều góc, đặc biệt là vào buổi tối. Hiện tin tức về núi lửa Kilauea phun trào bắt đầu được lan truyền và các chỗ đậu xe trong công viên bắt đầu được lấp kín.
Kilauea là ngọn núi lửa lớn thứ 2 của Hawaii và phun trào từ tháng 9/2021 cho đến tháng 12/2022. Sau một khoảng thời gian ngắn tạm nghỉ, Kilauea bắt đầu phun trào trở lại từ tháng 1/2023 trong 61 ngày và kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Trong khoảng 2 tuần của tháng 12 năm ngoái, ngọn núi lửa lớn nhất của Hawaii, Mauna Loa, cũng đang phun trào.
Một trong những lần phun trào nguy hiểm nhất của núi lửa Kilauea ghi nhận được là vào năm 2018 khi nó phá hủy 700 căn nhà. Trước đó vào năm 1983, một vụ phun trào của núi lửa này cũng đã phá hủy nhiều nhà cửa và trang trại và thậm chí còn tràn ra biển, gây ra các phản ứng mạnh mẽ với nước biển.
Dung nham phun trào từ miệng núi lửa Kilauea, Hawaii ngày 7/6. Ảnh: National Park Service |
Ảnh webcam thu được về khung cảnh đỉnh núi lửa Kilauea, Hawaii ngày 7/6. Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ |