Kết phiên giao dịch ngày 5/6, cổ phiếu của Nvidia tăng hơn 5%, nâng giá trị vốn hóa của công ty lên 3.019 tỷ USD, cao hơn mức 2.990 tỷ USD của Apple.
Microsoft vẫn là công ty đại chúng lớn nhất với giá trị thị trường 3.150 tỷ USD.
Theo CNBC, từ khi Nvidia công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 hồi tháng 5, cổ phiếu Nvidia đã tăng 24%. Giới chuyên gia cho biết, trên thị trường chứng khoán, Nvidia biến động mạnh. Thành lập từ năm 1991, ban đầu Nvidia tập trung vào game, bán phần cứng để chơi game 3D. Những năm gần đây, công ty mới chuyển hướng sang bán chip cho dịch vụ tiền mã hóa và dịch vụ thuê bao đám mây. Nhờ đó, cổ phiếu Nvidia "bay cao" khi mảng kinh doanh trí tuệ nhân tạo khởi sắc và tăng hơn 3.290% trong 5 năm qua.
Ước tính công ty đang nắm 80% thị trường chip AI cho trung tâm dữ liệu, vốn đang thu hút hàng tỷ USD chi tiêu từ các nhà sản xuất đám mây lớn. Trong quý 1/2024, doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu bao gồm GPU tăng 427% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 22,6 tỷ USD, đóng góp gần 86% tổng doanh số bán hàng của Nvidia.
Trong khi đó, cổ phiếu Apple chỉ tăng khoảng 5% trong năm nay do tăng trưởng doanh số toàn cầu chững lại trong vài tháng qua. Apple cho biết doanh số iPhone trong quý 1/2024 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đang đối mặt với những vấn đề chiến lược về nhu cầu tại Trung Quốc, sản xuất cũng như phản ứng trái chiều về thiết bị đeo thực tế ảo Vision Pro mới.
Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành. Điều này khiến hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt trí tuệ nhân tạo dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp trí tuệ nhân tạo đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
"Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu," bà Frances Karamouzis nói.
Do đó, các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.