Ôm trái đắng với các cổ phiếu 'thiên thời' ngành bất động sản

DIG CEO
07:54 - 04/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Từng được giới đầu tư mệnh danh là cổ phiếu "thiên thời", bộ 3 cổ phiếu bất động sản từng làm mưa làm gió thị trường chứng khoán gồm DIG, CEO, L14 đều đang giảm rất mạnh.
CEO, DIG, L14 đồng loạt nằm sàn phiên 3/10

CEO, DIG, L14 đồng loạt nằm sàn phiên 3/10

Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một ngày thứ 2 “đẫm máu” khi sắc đỏ bao trùm với gần 800 mã giảm, và chỉ 176 mã tăng. Thậm chí, toàn thị trường có đến gần 200 cổ phiếu nằm sàn. Riêng nhóm VN30 đã có đến 11 cổ phiếu giảm kịch biên độ và chỉ có duy nhất VIC ngược dòng nhưng tăng chưa đến 1%.

VN-Index chốt phiên 3/10 giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống mức 1.086,44 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021.

Trong đó, bộ 3 CEO – DIG – L14 đồng loạt giảm sàn, thị giá lần lượt nằm ở mức 19.600 đồng/CP, 27.650 đồng/CP, 65.100 đồng/CP, tương ứng giảm 79%, 72% và 83% so với đỉnh thiết lập hồi đầu năm (giá đã được điều chỉnh).

Còn nhớ thời điểm từ giữa năm ngoái, cùng với cơn sốt đất trên cả nước, cổ phiếu bất động sản là nhóm ngành được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng sẽ tăng giá mạnh. Dòng cổ phiếu bất động sản bắt đầu bùng nổ vào đầu tháng 10/2021 với 3 đại diện có thể coi như dẫn dắt thị trường là CEO, DIG, L14.

Vào thời điểm đó, các cổ phiếu này tăng chóng mặt khi cứ đầu phiên là tăng trần, có những phiên tăng trần tắt thanh khoản, kéo thị giá các mã này tăng rất nhanh.

Chỉ trong 3 tháng từ 10/2021 – 1/2022, thị giá của bộ 3 này đều đồng loạt tăng bằng lần. Cụ thể, DIG tăng từ vùng giá 25.000 lên đỉnh 119.500 đồng/CP, CEO tăng từ 10.000 lên 92.500 đồng/CP, L14 tăng từ 76.000 lên 440.000 đồng/CP. Tại đỉnh, L14 còn là cổ phiếu đắt đỏ nhất và cũng là cổ phiếu duy nhất với mệnh giá 400.000 đồng/CP trên toàn thị trường (giá cổ phiếu chưa điều chỉnh).

Cùng với đà tăng, một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tham gia vào mua cổ phiếu của các doanh nghiệp này. So sánh số lượng cổ đông được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 và 2022, số lượng cổ đông CEO tăng từ 11.012 – 42.765 cổ đông (tăng 388%), DIG tăng từ 18.816 – 48.280 cổ đông (tăng 256%), L14 tăng từ 1.091 – 4.625 cổ đông (tăng 424%).

Đà tăng của các cổ phiếu này tại đỉnh hồi tháng 1/2022 còn được kỳ vọng sẽ lên cao hơn nữa, khi trong các hội nhóm chứng khoán trên mạng xã hội, CEO, DIG, L14 được mệnh danh là cổ phiếu “thiên thời” và được dự đoán có thể tăng lên hàng trăm nghìn thậm chí là cả triệu đồng 1 cổ phiếu.

Tuy nhiên vào đầu năm 2022, biến cố lớn đã xảy ra khi sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc Thủ Thiêm và việc "bán chui" cổ phiếu của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị phanh phui, khiến cổ phiếu bất động sản, trong đó có 3 mã CEO, DIG và L14 lao dốc không phanh. Giá cổ phiếu tiếp tục sập mạnh vào tháng 4 khi 2 vụ án này lần lượt được khởi tố.

Cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề khi bị “kẹp hàng” các mã cổ phiếu nói trên ở giá cao mà chưa nhìn thấy ngày “về bờ”. Đó là chưa kể các nhà đầu tư đã sử dụng đòn bẩy margin.

Cổ phiếu lao dốc sau thời gian tăng nóng khiến cổ đông mất dần sự kiên nhẫn và không còn tha thiết với những kế hoạch của công ty.

Minh chứng rõ nét chính là việc DIG không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 do không đủ túc số, đây cũng là ĐHĐCĐ đầu tiên trong lịch sử DIC Corp không tổ chức thành công kể từ khi niêm yết. Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, dù tổ chức trong tuần tại Vũng Tàu, nhưng vẫn có tới 606 cổ đông tham dự, tương ứng 61,93% cổ phần biểu quyết, thậm chí nhiều người còn phải ngồi cả ngoài hành lang do hội trường không đủ chỗ. Trong số này, một tỷ lệ không nhỏ các nhà đầu tư khi ấy đang trong tình trạng lỗ nặng và mong muốn lắng nghe chia sẻ từ ban lãnh đạo công ty.

Kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu cũng phải điều chỉnh giảm giá chào bán một nửa so với phương án ban đầu được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Dự kiến, DIG sẽ trình cổ đông phương án chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 tới đây.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để đầu tư dự án Khu đô thị Long Tân. Dự án có diện tích khoảng 331,9 ha, thuộc địa phận xã Long Tân và Phú Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư được công bố là 12.618 tỷ đồng.

Trong khi đó, CEO đề ra kế hoạch phát hành thêm 257,3 triệu cổ phiếu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, bao gồm hơn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP và 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn gấp đôi lên 5.146 tỷ đồng. Giá chào bán dự kiến đều là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu được 2.573,4 tỷ đồng.

CEO dự kiến sẽ dùng 800 tỷ đồng đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences và tăng vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (1.000 tỷ), Công ty TNHH C.E.O Quốc tế (200 tỷ), CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang (200 tỷ), CTCP Đầu tư và phát triển Phú Quốc (105 tỷ), CTCP Xây dựng C.E.O (51 tỷ) và phần còn lại bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp này vẫn chưa chốt thời gian cụ thể để thực hiện phương án tăng vốn.

Tình hình của 3 mã cổ phiếu CEO, DIG và L14 trong tương lai gần là khá ảm đạm khi ngành bất động sản nói chung và các cổ phiếu bất động sản nói riêng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới khi mặt bằng lãi suất tăng nhanh.

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản. Bản thân doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.