OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 và 2023 với lý do thách thức kinh tế gia tăng. Ảnh: Reuters |
Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 14/11 đưa ra dự báo chính thức nhu cầu dầu trong năm 2022 sẽ chỉ tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương với 2,6%. So với con số trước đó, Reuters cho biết lần dự báo này giảm khoảng 100.000 thùng/ngày.
Trong khi đó vào năm 2023 tới, OPEC dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng 2,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Khi nêu ra nguyên nhân cho việc cắt giảm dự báo lần thứ 5 trong năm, báo cáo của OPEC khẳng định: “Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ bất ổn với những thách thức gia tăng trong quý IV/2022”.
Các rủi ro bao gồm tỷ lệ lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực, thắt chặt thị trường lao động cùng những sự đứt gãy và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Báo cáo này là báo cáo cuối cùng trước khi OPEC và các đồng minh của mình là OPEC+ họp vào ngày 4/12. Nhóm này gần đây đã giảm mục tiêu sản xuất và theo như Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì thái độ thận trọng trong lần gặp mặt tới.
Cụ thể, OPEC cho biết trong quý II và quý III/2022, nguồn cung dầu toàn cầu vượt tổng nhu cầu dầu lần lượt là 200.000 thùng/ngày và 1,1 triệu thùng/ngày trong khi quý I đầu năm chứng kiến sự thâm hụt 300.000 thùng/ngày.
Với giá dầu suy yếu do lo ngại suy thoái, trong tháng 10, OPEC+ đã thực hiện việc cắt giảm 100.000 thùng/ngày so với mục tiêu sản xuất trong khi tháng 11 sẽ chứng kiến sự sụt giảm còn lớn hơn. Lãnh đạo OPEC Arab Saudi cho biết đợt cắt giảm mới nhất là cần thiết để đối phó với việc tăng lãi suất ở phương Tây và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn.
Theo OPEC, sản lượng của họ trong tháng 10 đã giảm 210.000 thùng/ngày xuống 29,49 triệu thùng/ngày, nhiều hơn mức cắt giảm OPEC+ đã cam kết, dẫn đầu là việc cắt giảm 149.000 thùng/ngày của Arab Saudi. Tuy nhiên trên thực tế, Arab Saudi ghi nhận mức cắt giảm nhỏ hơn là 84.000 thùng/ngày, đưa sản lượng tháng 10 của nước này xuống dưới 11 triệu thùng/ngày.
Phản ứng lại động thái cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng chỉ trích quyết định này và gọi nó là một sự thiển cận trong bối cảnh nước này đang cố gắng vận động các nước xuất khẩu dầu mỏ bơm thêm dầu để giảm giá năng lượng toàn cầu.
Ở một diễn biến khác, tuy báo cáo của OPEC có nhắc tới những thách thức đang gia tăng, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 vẫn được giữ nguyên. Theo tổ chức này, dù rủi ro là tương đối đáng kể nhưng tiềm năng tăng trưởng không hoàn toàn biến mất.
Các tiềm năng này có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như lạm phát về cơ bản có thể bị tác động tích cực bởi bất kỳ giải pháp nào về tình hình địa chính trị ở Đông Âu, từ đó cho phép các chính sách tiền tệ theo hướng ít diều hâu hơn.
Ngay sau khi công bố báo cáo, giá dầu thế giới duy trì đà giảm và giao dịch quanh mức 95 USD/thùng.