Theo Charles Schwab, có 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu mà các nhà đầu tư cần thận trọng trong năm 2022. Ảnh: |
Vào năm 2020, các nền kinh tế trên khắp thế giới tồi tệ hơn bất kỳ dự báo nào khi bị tấn công mạnh mẽ bởi dịch Covid-19. Nhưng điều đó không đúng vào năm 2021, khi nhiều các quốc gia có sự phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng.
Nói về sự lội ngược dòng của kinh tế năm 2021, bài bình luận thị trường của tập đoàn Charles Schwab viết: “Những rủi ro bất ngờ không phải lúc nào cũng là mặt trái. Cán cân rủi ro không mong muốn của chúng tôi có thể nghiêng về năm 2022”.
Theo Charles Schwab, có 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu mà các nhà đầu tư cần thận trọng trong năm 2022.
Thiếu hụt nguồn cung
Sự thiếu hụt nguồn cung làm gia tăng lạm phát trong năm 2021. Khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của toàn cầu trong năm 2022 nếu không khắc phục triệt để.
Các nhà máy sản xuất đang tiếp tục hoạt động để đạt năng suất, đáp ứng hàng hóa cho nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu tình trạng dư nguồn cung xuất hiện vào năm 2022, dự báo có thể xảy ra cuộc lạm phát giảm với lượng hàng tồn kho dư thừa khổng lồ. Điều này sẽ dẫn đến sự lao đốc giá cả và gây rủi ro cho các nhà máy, các nguồn cung lớn trên toàn cầu.
Nếu tình trạng dư nguồn cung xuất hiện vào năm 2022, dự báo có thể xảy ra cuộc lạm phát giảm với lượng hàng tồn kho dư thừa khổng lồ. Ảnh: |
Đại dịch đã tạo gây ra sự thiếu hụt khẩu trang và găng tay trong nửa đầu năm 2020. Top Glove, nhà sản xuất găng tay dùng một lần, có quy mô lớn nhất thế giới, đã chứng kiến triển vọng thu nhập và giá cổ phiếu tăng vọt. Các nhà phân tích ước tính, công ty này thu nhập tăng 1400% và giá cổ phiếu tăng hơn 400%. Tuy nhiên, khi nhu cầu bắt đầu trở lại bình thường, dự báo thu nhập của Top Glove giảm xuống và giá cổ phiếu cũng sụt giảm xuống.
Trường hợp tương tự cũng diễn ra với công ty Peloton Interactive, một trong những công ty sản xuất công cụ tập thể dục lớn nhất trên thế giới. Sau khi ghi nhận sự gia tăng các đơn hàng một cách mạnh mẽ vào năm 2020, cả thu nhập và giá cổ phiếu của công ty này đều tăng vọt; và khi nhu cầu giảm xuống, rất nhiều đơn hàng đã bị trả lại.
Trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của cả giá than và khí đốt tự nhiên khi tăng lên mức kỷ lục trong 10 năm qua vào hồi tháng 10. Tuy nhiên, giá của cả hai hiện đều đã giảm 38%.
Sau một năm thiếu hụt nguồn cung, thế giới có thể đang tiến gần đến giai đoạn cuối của các vấn đề của chuỗi cung ứng hơn so với thời điểm ban đầu. Tình trạng thiếu hụt đã bắt đầu giảm bớt khi lượng hàng hóa bơm vào thị trường đang gia tăng. Đây có thể là tin đáng mừng cho các thị trường khi áp lực lạm phát sẽ giảm bớt và đi kèm với việc cải thiện niềm tin vào chu kỳ thắt chặt chậm hơn từ các ngân hàng trung ương. Nhưng tín hiệu này cũng có thể gây rủi ro cho một số ngành đã phát triển mạnh nhờ sự tăng giá do thiếu hụt.
Lạm phát giảm tốc
Lạm phát toàn cầu nóng lên khiến các thị trường dự đoán sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trở lên trong năm 2022 của Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Canada, Ngân hàng Dự trữ Australia và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các thị trường thậm chí còn phản ánh việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Nếu áp lực lạm phát giảm bớt vào năm 2022 như dự đoán, kỳ vọng về số lần tăng lãi suất và việc thắt chặt các điều kiện tài chính tương ứng cũng có thể xảy ra.
Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 4,9% vào tháng 11/2021, mức cao nhất trong 23 năm qua. Đồng thời, thị trường đang định giá về khả năng ECB tăng lãi suất vào cuối năm 2022, điều này sẽ kết thúc một thập kỷ dài về chính sách tiền tệ nới lỏng.
Lạm phát toàn cầu nóng lên khiến các thị trường dự đoán sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trở lên trong năm 2022. Ảnh: Internet |
Giá cả năng lượng ảnh hưởng tới khoảng 2/3 vào mức gia tăng lạm phát giá tiêu dùng của Eurozone vào năm 2021. Do vây, đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi trong thời gian tới.
Dự báo cho thấy, lạm phát châu Âu có khả năng trượt từ mức cao kỷ lục khoảng 5% vào cuối năm 2021 xuống dưới mục tiêu 2% của ECB vào cuối năm 2022. Nó thậm chí có thể giảm xuống khoảng 0% nếu giá thị trường năng lượng tương lai (bao gồm cả giá điện và khí đốt tự nhiên) đến cuối năm 2022 ở mức bình ổn.
Bên cạnh những lo ngại đà lạm phát có thể lên đến đỉnh điểm, các chuyên gia cũng không bỏ qua khả năng rằng các ngân hàng trung ương có thể “nóng vội” ngăn chặn lạm phát bằng cách hành động quá nhanh để tăng lãi suất vào năm 2022. Điều này sẽ gây ra những cú sốc trên các thị trường lớn và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc năm 2022 “lội ngược dòng”
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại với tốc độ dưới mức trung bình trong năm 2021, một phần do những thay đổi về chính sách quản lý kinh tế. Chính quyền Trung Quốc đã thực hiện sứ mệnh tái cấu trúc một số ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản với quan điểm rằng “nhà ở chủ yếu nên là nơi để ở, chứ không phải là phương tiện đầu tư”. Trung Quốc cũng muốn hướng đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp cạnh tranh toàn cầu khác, không phải lĩnh vực bất động sản.
Để chống lại lực cản kinh tế từ sự bất ổn trong thị trường nhà đất, nước này đang thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế sau cuộc họp tháng 12 của Bộ Chính trị và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC). Tuyên bố của CEWC kêu gọi có sự phối hợp trong chính sách tài khóa và tiền tệ. Các cuộc họp này khẳng định rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ các biện pháp nhằm nới lỏng chính sách và ổn định lĩnh vực nhà ở.
Trung Quốc muốn hướng đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp cạnh tranh toàn cầu khác, không phải lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Internet |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng vào ngày 15/12 và cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay vào ngày 20/12, mức áp dụng cho hầu hết các khoản vay mới. Đây là biện pháp trấn an tâm lý đối với các nhà sáng lập, nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc; vì sau những cú hích lớn làm chao đảo thị trường nội địa, họ trở nên dè dặt và thận trọng hơn.
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc cũng đang chuyển sang chế độ nới lỏng, trong khi phần còn lại của thế giới chuyển sang thắt chặt. Với nhiều biện pháp kích thích được áp dụng hơn, dự báo cho thấy Trung Quốc có thể đi từ tập trung vào việc chấn chỉnh một số ngành vào năm 2021, sang áp dụng biện pháp hỗ trợ các ngành vào năm 2022.
Covid-19 vẫn là ẩn số dự báo
Các nhà đầu tư đã trở quá quen với quy luật giao dịch “tăng - giảm – gần chạm đáy – lội ngược dòng” tại các phiên giao dịch chứng khoán trong năm nay. Mỗi khi các đợt lây nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu hàng ngày giảm xuống còn 350.000 ca thì các chỉ số đang báo động đỏ lại đảo ngược, tăng cao trở lại và duy trì được trong hai tháng.
Đỉnh điểm là các sàn chứng khoán trên thế giới có một phiên giao dịch ngập chìm trong sắc đỏ hôm 27/11 khi WHO công bố về nguy cơ của biến chủng Covid-19 mới phát hiện tên Omicron tại khu vực nam Châu Phi.Các nhà đầu tư hoảng hốt bán tháo, nhiều dòng tiền phải tìm nơi trú ẩn, giá trị các cổ phiếu đều sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau khi được WHO nhận định về tỷ lệ gây triệu chứng nặng của Omicron thấp hơn so với chủng Delta, thị trường trong giai đoạn gần đây đã “dễ thở” hơn, kéo theo đà tăng trở lại.
Dịch bệnh vẫn là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến chu kỳ tăng trưởng của giá cả. Ảnh: |
Trong năm tới, dịch bệnh vẫn là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến chu kỳ tăng trưởng của giá cả. Trên thị trường chứng khoán, các nhà hoạch định thị trường sẽ có thể vững tay vận hành tốt hơn nếu luôn sẵn sàng áp dụng phương án “phòng thủ - khóa chặt” giá trị cổ phiếu.
Cho đến nay, khi chưa có sự nghiên cứu cụ thể về Omicron, biến chủng này và có thể sẽ có thêm những chủng đột biến khác tiếp tục là ẩn số, khiến các dự báo về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và các vấn đề kinh tế khác trên thế giới có thể đi chệch hướng.
Những rủi ro về địa chính trị
Rủi ro địa chính trị là một phần không thể tránh khỏi trong lĩnh vực đầu tư. Trong năm 2021, toàn cầu đã cùng đồng hành vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 mà không xảy ra xung đột nào, nhưng rủi ro xung đột vẫn có thể cao hơn dự kiến vào năm 2022.
Theo Chỉ số Giá Thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), có sự thay đổi mạnh trong giá cả quốc tế đối với các mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, sữa, thịt, đường và dầu/mỡ. Dịch bệnh kết hợp với giá lương thực tăng vọt có thể là nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột ở một số khu vực trên thế giới, có nguy cơ gây bất ổn trên diện rộng.
Cú sốc giá lương thực-thực phẩm gần đây nhất xảy ra vào năm 2011 đã dẫn tới một làn sóng biểu tình ở nhiều nước, nhất là ở khu vực Trung Đông. Nhiều nước Trung Đông hiện nay vẫn đang đối mặt với nguy cơ tái diễn cú sốc như vậy.
Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo mới ở Italy và Pháp sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào đầu năm 2022, với khả năng những người hoài nghi đồng Euro giành được quyền lực ở các nền kinh tế chủ chốt này. Bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu đối với đồng Euro đều có thể làm giảm đi sự hỗ trợ tài chính cần thiết của ECB – then chốt quan trọng trong việc cân bằng sự chênh lệch đang mở rộng trên thị trường trái phiếu châu Âu.
“Brexit bùng phát” sẽ tiếp tục trở thành vấn đề “nóng” trong các cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu về Nghị định thư Bắc Ireland (NIP), một thỏa hiệp nhằm giữ một biên giới đất liền và liên minh thuế quan khép kín. Việc đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán này dự báo không được khả quan và có thể đẩy căng thẳng đang leo thang trong năm 2022. EU cho biết họ đang nghiên cứu các biện pháp thương mại trừng phạt nếu Anh đình chỉ NIP, có khả năng gây ra chiến tranh thương mại giữa Anh và EU.
Căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan nếu ngày gia tăng sẽ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xấu đi thêm. Trong trường hợp căng thẳng với Bắc Kinh khiến ngành sản xuất con chip của Đài Loan gặp trở ngại, chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm từ smartphone cho tới ô tô sẽ gián đoạn nghiêm trọng trong năm 2022.