Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 mới công bố, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 72.414 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn, ở mức 4% so với cùng kỳ, đạt 68.634,5 tỷ đồng. Điều này đã giúp lợi nhuận gộp của Petrolimex đạt 3.779,5 tỷ đồng, tăng 26% so với mức 2.802,7 tỷ đồng của quý 3/2022.
Doanh thu hoạt động tài chính của Petrolimex trong kỳ tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.189 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, lãi bán các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá.
Đáng chú ý, trong kỳ, PLX ghi nhận 646 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản đầu tư. Đây là khoản lợi nhuận hoạt động tài chính từ việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Petrolimex (PG Bank) sau khi Petrolimex hoàn thành chuyển quyền sở hữu cổ phiếu PG Bank cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của Petrolimex lại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 627,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 22%, ở mức 3.109,9 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 10%, đạt 215,5 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, PLX ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 đạt 729,3 tỷ đồng, tăng cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 205.596 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.082 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 2.287,9 tỷ đồng, tăng cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ.
Năm 2023, Petrolimex đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 190.000 tỷ đồng doanh thu và 3.228 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kết quả trên, Petrolimex đã vượt 8% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của PLX tại ngày 30/9/2023 là 81.876,4 tỷ đồng, tăng 10% so với con số hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn đạt 61.140,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% so với thời điểm đầu năm.
Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 9.738,9 tỷ đồng, giảm 17%, đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 17.056,9 tỷ đồng, tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.636,4 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho đạt 19.594,5 tỷ đồng, tăng 12% so với số đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Petrolimex tăng 13%, đạt 53.447,9 tỷ đồng, cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu là 28.428,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 98%, ghi nhận ở mức 52.498 tỷ đồng.
Liên quan đến việc Petrolimex thoái vốn khỏi PG Bank, ngày 23/10 vừa qua, ngân hàng này đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua 4 nội dung chính, trong đó có việc thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính sau khi Petrolimex thoái vốn cũng như phương án cơ cấu và nhân sự thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
PGBank cho biết, trên cơ sở đánh giá của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định cũng như ý kiến của các bộ/ngành liên quan, ngày 28/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX).
Bên cạnh đó, PG Bank nhận được đơn từ nhiệm của một số thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Vì vậy, ĐHĐCĐ của ngân hàng này sẽ phải thực hiện kiện toàn lại bộ máy quản trị, kiểm soát của ngân hàng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.