Phải thống nhất giá bán điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trước 31/3

NĂNG LƯỢNG EVN
22:38 - 22/03/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá bán điện trước ngày 31/3/2023.

Công văn số 1553/BCT-ĐTĐL ngày 20/3 của Bộ Công Thương gửi EVN nêu rõ, ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngày 2/3, Bộ Công Thương có Văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá bán điện.

Căn cứ các văn bản hướng dẫn nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Ngày 9/3 vừa qua, Công ty mua bán điện (EVN EPTC ) cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cung cấp hồ sơ tài liệu để phục vụ công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày, ngày 10/3, một nhóm gồm 36 chủ đầu tư dự án điện NLTT chuyển tiếp và Hiệp hội doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp.

Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng quá trình ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng, việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn, phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính khách quan.

Ngày 6/3, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikomdej Blankura cũng có văn bản (số 57001/102) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm và đề xuất cách tính khung giá điện các dự án NLTT chuyển tiếp.

Theo Đại sứ Thái Lan, các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công Thương nên chỉ định một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để lựa chọn các thông số hợp lý được sử dụng để tính khung giá. Bộ Công Thương cần có một kết luận công bằng về cách tính khung giá cũng như thực hiện các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện.

Bên cạnh đó, Đại sứ cũng đề xuất việc giữ nguyên các chính sách ưu đãi đối với các dự án chuyển tiếp. Điều này sẽ đảm bảo có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thay thế và bền vững.

Đại sứ Thái Lan cho biết, hiện có 13 doanh nghiệp Thái Lan đầu tư NLTT chuyển tiếp tại Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa kịp vận hành thương mại do bị đình trệ bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Đại diện Bộ Công Thương, EVN gặp gỡ 85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Đại diện Bộ Công Thương, EVN gặp gỡ 85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc xung quanh vấn đề giá phát điện và hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện NLTT chuyển tiếp, ngày 20/3, EVN đã tổ chức Hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Để tránh sự lãng phí nguồn lực, các nhà đầu tư dự án năng lượng đề xuất nên đồng thời tiến hành việc huy động ngay công suất 34 nhà máy điện chuyển tiếp đã đủ điều kiện vận hành (28 nhà máy điện gió và 6 nhà máy điện mặt trời) và áp giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu, khoảng 1.500 đồng/kWh.

Tính đến ngày diễn ra hội nghị nói trên, mới có 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ theo yêu cầu của EVN để thỏa thuận giá bán điện.

Tin liên quan

Đọc tiếp