Phân quyền cho địa phương làm cao tốc để kiểm điểm tiến độ đúng đối tượng

Hạ Tầng Việt nAM
07:14 - 02/06/2023
Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, đây là giải pháp rất quan trọng để thực hiện được mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm trong triển khai dự án đường cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước có trên 3.000km; đến năm 2030 đạt khoảng 5.000km đường cao tốc".

Đưa ra giải pháp để thực hiện được mục tiêu này, Thứ trưởng cho biết việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương để quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc là rất quan trọng, từ đó phát huy nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, gắn với trách nhiệm trong triển khai.

Khái quát tiến độ triển khai các dự án, đại diện Bộ GTVT thông tin: Cao tốc Bắc - Nam phía đông đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án, trong đó có 1 dự án PPP, 5 dự án còn lại trong đó 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023, 2 dự án hoàn thành trong năm 2024.

Trong tháng 6/2023, một loạt những dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, cao tốc Đồng Nai - Vũng Tàu, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột, phía Bắc có tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Rút ra các bài học kinh nghiệm để áp dụng trong triển khai các dự án đường cao tốc, Thứ trưởng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân công, phân cấp cho địa phương, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng đơn vị để xây dựng kế hoạch khả thi, gắn trách nhiệm để kiểm điểm tiến độ đúng đối tượng.

Thứ trưởng cũng lưu ý công tác lựa chọn nhà thầu cần chọn nhà thầu có năng lực, có đủ nhân lực, phương tiện, máy móc thi công để đáp ứng kịp thời tiến độ; tăng cường sự trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương để chọn lọc phương pháp, cách làm phù hợp với từng địa phương giúp triển khai dự án nhanh, khả thi, chất lượng, hiệu quả.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc. Hiện đã cả nước có thêm 566 km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác (trong đó có 166 km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc đến nay lên 1.729 km.

Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400 km; Thu xếp nguồn vốn để sau năm 2025 triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km.

Muốn làm cao tốc, giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước

Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố đã chia sẻ các kinh nghiệm làm cao tốc của mình. Đại diện Thủ đô Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn vì vậy cần tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, dành tâm sức cho khâu chuẩn bị đầu tư.

Lấy ví dụ về dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, để giải phóng mặt bằng sớm, Hà Nội đã đề xuất và được chấp thuận tách công tác bồi thường, tái định cư thành dự án thành phần độc lập, ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thực hiện giải phóng mặt bằng khi dự án giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm, nhờ đó đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Cũng chia sẻ về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hoà, thông tin:

Trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, địa phương đã rà soát sửa đổi các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc giá trị bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của tài sản bị thiệt hại và bố trí cho người dân có chỗ ở tốt hơn sau khi giải tỏa. Từ đó tạo được sự đồng thuận của người dân trong công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ.

Còn về phía TP HCM, chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai dự án đường vành đai 3 - dự án giao thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở miền Nam, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm cho hay, công tác chuẩn bị dự án là khâu mất rất nhiều thời gian, do đó cần phải được quan tâm ngay từ đầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch hướng tuyến, quy mô công trình, quy mô giải phóng mặt bằng và các cơ chế, chính sách triển khai dự án.

Đại diện TP HCM cũng đề xuất, với dự án lớn, địa phương chưa có kinh nghiệm có thể cho phép thực hiện loại hợp đồng trọn gói, tổng thầu để giảm áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước, phát huy được năng lực của nhà thầu lớn, tổng công ty mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp