Phát triển kinh tế đô thị phải gắn liền với quá trình công nghiệp hóa

KINH TẾ đô thị
14:24 - 16/11/2022
Hội thảo "Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam". Ảnh: Hoàng Toàn.
Hội thảo "Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam". Ảnh: Hoàng Toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển kinh tế đô thị là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng theo các chuyên gia, để kinh tế đô thị phát huy được vai trò của mình thì còn cần sự phối hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp hơn 70% GDP

Đô thị đóng vai trò trung tâm hạt nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các quốc gia, đồng thời là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tại Hội thảo "Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam" do Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị tổ chức chiều 15/11, TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị đã đưa ra báo cáo tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước. Bà cho biết: "Ở Việt Nam hiện nay tỷ lệ đô thị hóa đã đạt khoảng gần 40% với hơn 860 đô thị các loại".

"Không gian đô thị được mở rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đã đóng góp hơn 70% tổng thu nhập quốc nội (GDP), dự kiến đến năm 2030 khoảng 85%. Bước đầu đã hình thành các cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, trung tâm năng lượng xanh trong cả nước", bà Hạnh thông tin.

TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị. Ảnh: Hoàng Toàn

TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị. Ảnh: Hoàng Toàn

Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển đô thị như tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt yêu cầu, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; quá trình phát triển đô thị chưa gắn kết đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa....

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã đề xuất một số giải pháp như: Các đơn vị,địa phương cần tập trung phát triển kinh tế dịch vụ; các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược phát triển như kinh tế số; kinh tế tuần hoàn; kinh tế chia sẻ; kinh tế ban đêm; kinh tế du lịch và thể thao.

"Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế, tính liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; tháo gỡ các chính sách, tạo động lực, huy động nguồn vốn cho kinh tế vùng, đặc biệt là vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có cơ chế tạo nguồn thu, phân cấp ngân sách để lại cho đô thị", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói thêm.

Đô thị hóa phải gắn liền với quá trình công nghiệp hóa

Đóng góp ý kiến, PGS. TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ KH&ĐT, Tổng thư ký Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN chỉ ra một vấn đề quan trọng: "Đô thị hóa phải gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Nền công nghiệp phát triển thì ở đó đô thị phát triển và ngược lại".

PGS. TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ KH&ĐT, Tổng thư ký Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN. Ảnh: Hoàng Toàn.

PGS. TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ KH&ĐT, Tổng thư ký Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN. Ảnh: Hoàng Toàn.

"Hai quá trình này vừa là quá trình chuyển dịch nhân lực vừa điều chỉnh sinh kế, điều chỉnh khu vực sinh sống của người lao động từ nông thôn sang đô thị tập trung. Ở đây kết hợp tốt hai quá trình này thì ở đấy nền kinh tế có sự thay đổi nhanh chóng", ông Thắng nói.

Mặc dù quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã được quan tâm phát triển trong thời gian dài nhưng hiện vẫn chưa có Nghị định nào về mối tương quan để hai quá trình này cùng song hành hỗ trợ nhau phát triển.

Để hai quá trình này phối hợp tốt với nhau, PGS. TS Bùi Tất Thắng đưa ra một số giải pháp như cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành trong công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch; trong quá trình triển khai, phát triển đô thị cần quan tâm thỏa đáng đến hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội và các công trình công cộng để đảm bảo an cư cho người lao động.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các đô thị, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thông minh. Đây cũng là hướng phát triển của công nghiệp và hai quá trình này phải gắn kết với nhau. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ hiện đại trong phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Đóng góp thêm ý kiến về định hướng phát triển kinh tế đô thị, TS. Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng: "Muốn hình thành đô thị cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, thủy điện, cấp thoát nước. Muốn cho các đô thị phát triển bền vững, giao thông đóng vai trò rất quan trọng".

"Hạ tầng giao thông tốt, chi phí lưu thông rẻ, logistics thuận lợi, chuỗi cung ứng được đảm bảo sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của đô thị cũng như góp phần phát triển kinh tế đô thị", ông Đông nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.