PVOIL giải trình về 3 ý kiến loại trừ của kiểm toán khiến cổ phiếu bị cảnh báo

PV OIL Cổ Phiếu
22:52 - 22/03/2023
Cổ phiếu của PVOIL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/3.
Cổ phiếu của PVOIL bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/3.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã OIL) ngày 22/3 ra thông cáo báo chí về việc cổ phiếu của công ty bị HNX đưa vào diện cảnh báo.

Trước đó, ngày 21/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố quyết định đưa cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3, do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.

Theo đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất của PVOIL năm 2022 có 3 ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên. Một là khoản đầu tư của PVOIL vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB, công ty liên kết của PVOIL), là chủ đầu tư Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ với giá trị là 272,72 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Khoản đầu tư này phát sinh từ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa PVOIL (ngày 31/12/2015).

Hiện nay, dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đã dừng thi công và PVB đang được xem xét phương án phá sản theo quy định pháp luật. Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ các thông tin về những thay đổi phần vốn góp của PVOIL vào tài sản thuần của PVB từ ngày đầu tư đến ngày 31/12/2022 nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của PVOIL hay không.

Hai là khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền là 169,79 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Đây là khoản lỗ tại Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC - công ty con của PVOIL) trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/6/2010) đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 18/05/2011).

Khoản này đang chờ các cấp thẩm quyền (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính) phê duyệt quyết toán, xác định cụ thể giá trị phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty PETEC ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu nói trên nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của PVOIL hay không.

Ba là giá trị của các lô đất của CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn - công ty con của PVOIL). Đây là 6 lô đất do PVOIL Sài Gòn đầu tư để xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền là 29,7 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 nhưng chưa hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng sang tên PVOIL Sài Gòn hoặc chưa được gia hạn thời gian thuê đất.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về quyền sử dụng đất và thời gian thuê đất nên không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của PVOIL hay không.

Muốn đưa cổ phiếu lên sàn HoSE

Theo PVOIL, các điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước khi PVOIL cổ phần hóa. Vì vậy, các vấn đề này đã tồn tại trên báo cáo tài chính của PVOIL ngay từ khi mới chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần.

“Mặc dù trong thời gian qua, PVOIL đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, xử lý các điểm tồn đọng nêu trên, tuy nhiên do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của Nhà nước nên các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, thông cáo nêu.

Diễn biến cổ phiếu OIL thời gian qua.

Diễn biến cổ phiếu OIL thời gian qua.

Về điểm ngoại trừ số 1, PVOIL cho biết khoản đầu tư tại PVB đã phát sinh từ trước khi cổ phần hóa PVOIL. Việc thi công xây dựng Dự án Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành và đã dừng thi công từ năm 2013.

Dự án này chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán nên chưa ghi nhận tăng tài sản trên sổ sách kế toán của PVB. Do đó, PVB chưa ghi nhận lỗ phát sinh từ dự án này. Theo quy định của chuẩn mực kế toán và các quy định hướng dẫn về trích lập dự phòng đầu tư tài chính hiện hành, khoản đầu tư vốn vào PVB chưa đủ cơ sở để PVOIL trích lập dự phòng đầu tư tài chính.

Trong quá trình lập hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, PVOIL đã có văn bản trình các cơ quan quản lý đề xuất được xác định lại khoản đầu tư này về mức 0 đồng khi thực hiện quyết toán cổ phần hóa (được hiểu là loại khoản đầu tư này ra khỏi công ty cổ phần). Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa nhận được hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Về điểm ngoại trừ số 2, OIL cho biết theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khoản lỗ tại PETEC sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt khi quyết toán cổ phần hóa.

Về phía trách nhiệm của PVOIL/PETEC, doanh nghiệp đã trình hồ sơ quyết toán cổ phần hóa cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đồng thời, PVOIL/PETEC cũng thường xuyên theo dõi sát sao, sẵn sàng giải trình bổ sung thông tin, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay, hồ sơ quyết toán cổ phần hóa của PETEC vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Về điểm ngoại trừ số 3, công ty cho biết, giá trị các lô đất bị kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính đã giảm từ 60,1 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2018 xuống còn 29,7 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục, các cơ quan quản lý địa phương chậm giải quyết nên vẫn còn một số lô đất của PVOIL Sài Gòn chưa hoàn thiện thủ tục.

Doanh nghiệp khẳng định, hàng năm, khi công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ và hợp nhất, PVOIL đều kèm theo văn bản giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán gửi đến UBCKNN, HNX và đăng tải trên website.

“Các điểm ngoại trừ nói trên đều không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng, kế hoạch phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL và cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại cũng như giao dịch cổ phiếu OIL trên UPCoM”, thông cáo nêu.

Để khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, PVOIL cho biết sẽ tích cực làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết các điểm ngoại trừ mà kiểm toán nêu. Công ty cũng đang hướng tới mục tiêu đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết tại sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) để tăng tính thanh khoản và giá trị cổ phiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.