Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Góp ý vào dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên thảo luận hội trường sáng 25/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, thường các thành phố trên thế giới được phân thành 3 vùng gồm: Nội thành, ngoại ô và nông thôn. Đối với quy hoạch đô thị và nông thôn thì đô thị gồm nội thị và ngoại ô, còn nông thôn vẫn là nông thôn.
Theo đại biểu, định nghĩa nội đô là khu vực mật độ dân số cao, được xây dựng nhiều nhà cao tầng, các trụ sở và cơ sở hạ tầng, có hệ thống giao thông công cộng tầm thấp, có điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa đa dạng.
Ngoại ô là khu ngoài nội đô, có mật độ dân cư thấp hơn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ, có nhiều công viên, trường học, thường có nhiều không gian xanh hơn khu nội đô và người dân thường sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến trung tâm thành phố.
Nông thôn là khu vực ngoài thị trấn và thành phố, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và các tài nguyên thiên nhiên.
Từ những nội dung nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nông thôn là nơi giữ gìn văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có thể hiện đại hóa nông thôn nhưng nên hạn chế đô thị hóa để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng; phát triển quy hoạch về giao thông, trường học, bệnh viện tùy vào từng vùng sao cho phù hợp.
Cũng quan tâm đến quy hoạch nông thôn, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hoà) cho biết, Luật Quy hoạch đô thị đã có từ năm 2009, còn quy hoạch nông thôn được chính thức đưa vào một nội dung lớn trong văn bản của Quốc hội thì bây giờ mới có. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã cũng làm các quy hoạch nhưng nhỏ lẻ, không có tầm chiến lược quốc gia. “Điều này đáp ứng được mong mỏi của cử tri nông thôn,” đại biểu nói.
Góp ý vào nội dung, đại biểu nêu, dự thảo Luật quy định không gian đô thị, nông thôn là không gian trên mặt đất, dưới mặt đất, dưới nước tại địa bàn đô thị, nông thôn. Theo ông, khái niệm giải thích này chưa rõ. “Không gian đô thị nông thôn là không gian trên mặt đất thì có thể cảm nhận được, nhận thức được nhưng không gian dưới mặt đất, không gian dưới nước là gì thì ban soạn thảo cần tiếp tục giải thích để cho dễ hiểu hơn,” ông đề xuất.
Đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật cần giải thích đầy đủ hơn khái niệm về cảnh quan đô thị nông thôn. “Cảnh quan như đề cập trong dự thảo Luật chủ yếu là đô thị với vườn hoa, đường phố, công viên... còn sân đa, bến nước, dòng sông, đồng lúa... lại không được mô tả. Cần bổ sung thêm để kiến trúc, không gian của đô thị và nông thôn tương xứng với nhau,” đại biểu Lê Xuân Thân nêu ý kiến.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hoà). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”. “Chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị. Đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao,” đại biểu nêu lý do.
Theo bà Thuỷ, việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất; thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển... Tuy nhiên, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.
“Ví dụ như TP Tuyên Quang, TP Phú Quốc hay thị xã Tịnh Biên (An Giang) đều đang có một số phường tách biệt hẳn với các phường còn lại, chen ở giữa là khu vực nông thông lớn,” bà Thuỷ nêu ví dụ.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật lần này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này.