Sáng 25/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phân định rõ ràng về chức năng các loại quy hoạch
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đồng tình với dự thảo Luật sau khi chỉnh lý rằng đối với thành phố trực thuộc Trung ương, cần lập 2 loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tuy nhiên, ông cho biết, mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật phải phân định rõ ràng. Quy hoạch chung phải thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực.
Do vậy, đại biểu đề nghị Điều 20 về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương phải quy định theo hướng cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. “Ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới,” ông Cường nhấn mạnh.
Đại biểu TP Hà Nội cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch chung ở Điều 50, khoản 3 cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là “đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có”.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cũng chỉ ra rằng quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Bà cũng đề nghị cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.
Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.
Bổ sung nguyên tắc áp dụng khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch
Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) góp ý tại phiên họp rằng dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.
Theo đại biểu, việc quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.
Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. “Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo Luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi,” đại biểu nêu rõ.
Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.
Đề xuất thành phố trực thuộc Trung ương vẫn lập hai loại quy hoạch Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi chỉnh lý tiếp tục giữ quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương vẫn lập hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. |
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai: Ưu tiên cho hạ tầng kết nối Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1015/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Quy hoạch tỉnh giúp Đồng Nai 'kết nối, hội nhập và cất cánh' Đây là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 24/9, tại TP Biên Hòa. |
Quy hoạch tỉnh Bình Dương: Tập trung phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới Ngày 26/9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bình Dương thực hiện những hoạt động tiên phong như tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới. |