Quý 3 đi lùi, thu hẹp đà tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng của MIC

BẢO HIỂM MIG
15:07 - 23/10/2023
Quý 3 đi lùi, thu hẹp đà tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng của MIC
0:00 / 0:00
0:00
Sau 2 quý đầu tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, tình hình kinh doanh của Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) trong quý 3 kém khả quan hơn về cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận doanh thu thuần quý 3/2023 đạt 758 tỷ đồng, giảm 15%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 978 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng giảm 9% xuống gần 666 tỷ đồng.

Công ty vẫn có sự tăng trưởng tốt tại mảng kinh doanh tài chính, nhờ mức tăng tới 50% của doanh thu hoạt động tài chính, đạt 69 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính giảm 33%, còn 1,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 21%, xuống còn gần 107 tỷ đồng.

Dù đã tiết giảm được các loại chi phí, do doanh thu giảm sâu, lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm Quân đội vẫn giảm tới 16%, xuống còn 53 tỷ đồng. Không chỉ giảm so với cùng kỳ mà so với 2 quý trước đó, lợi nhuận của công ty cũng đi lùi, khi giảm 29% so với quý 2 và giảm 38% so với quý 1.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.630 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.404 tỷ đồng giảm 8%. Cùng với mức tăng trưởng tốt của doanh thu tài chính và tiết giảm các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Bảo hiểm Quân đội tăng 26% so với cùng kỳ, lên 214 tỷ đồng. Trong khi, mức tăng trưởng lợi nhuận của 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ là 50%.

Bảo hiểm Quân đội đặt mục tiêu đạt 6.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2023, tăng 17% và 75% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết 9 tháng, công ty đã hoàn thành được 55,8% kế hoạch doanh thu và 61,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Do tình hình kém khả quan trong quý 3 nên tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm của công ty có phần sụt giảm so với 2 quý trước đó.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bảo hiểm xe cơ giới vươn lên đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội 9 tháng năm 2023 (chiếm 40%), đạt 1.361 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Vị trí thứ hai là mảng bảo hiểm con người, với doanh thu đạt 932 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ, chiếm 27,4% tổng doanh thu. Chính sự sụt giảm này đã đẩy mảng bảo hiểm con người rơi xuống hạng 2 trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội và là tác nhân chính khiến doanh thu phí bảo hiểm gốc 9 tháng năm 2023 giảm 8% so với 9 tháng năm 2022.

Mảng bảo hiểm tài sản xếp thứ ba trong cơ cấu doanh thu khi đạt gần 508 tỷ đồng, tăng 7%, chiếm 14,9% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu nhưng mảng bảo hiểm hàng không kỳ này đã chứng kiến mức tăng vọt gấp 2,9 lần cùng kỳ, đạt gần 32 tỷ đồng. Đây là mảng bảo hiểm có sự biến động lớn thứ hai trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội sau mảng bảo hiểm con người.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm Quân đội đạt 8.482 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với đầu kỳ. Khoản tiền và tương đương tiền cũng giảm 22%, xuống 72 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, đạt 70 tỷ đồng, giảm 23%.

Khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 2.042 tỷ đồng, giảm 4%, khoản tài sản ngắn hạn khác giảm 8% xuống còn 1.134 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 7% xuống còn 938 tỷ đồng.

Riêng với mảng đầu tư tài chính, giá trị thuần các khoản đầu tư tài chính của Bảo hiểm Quân đội đã tăng 6% lên 3.827 tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh 45% lên 3.807 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ nửa năm đến 2 năm, đạt 2.530 tỷ đồng, tăng 68% so với hồi đầu năm và khoản ủy thác 957 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%.

Khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn đã giảm 49% xuống còn 149 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty phát sinh mới 170 tỷ đồng khoản chứng chỉ tiền gửi được chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn.

Đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh từ 979 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng. Trong đó, một phần do các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 2 năm đã được tính vào mục đầu tư tài chính ngắn hạn. Công ty không ghi nhận khoản tiền gửi nào có kỳ hạn từ 2 - 3 năm.

Khoản chứng chỉ tiền gửi cũng đã được chuyển sang mục đầu tư ngắn hạn do kỳ hạn của khoản này là 2 năm. Khoản đầu tư trái phiếu của công ty cũng giảm mạnh chỉ còn 20 tỷ đồng, bằng 1/10 con số đầu năm.

Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của MIC đã giảm nhẹ 2% từ 6.653 tỷ đồng xuống còn 6.510 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ giảm 2% xuống gần 3.943 tỷ đồng, doanh thu hoa hồng chưa được hưởng giảm 8% còn 1.087 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 21% lên 557 tỷ đồng…

Vốn chủ sở hữu của Bảo hiểm Quân đội đã tăng 4% lên 1.972 tỷ đồng, chủ yếu do vốn điều lệ đã tăng từ gần 1.645 tỷ đồng lên 1.727 tỷ đồng. Mức tăng này là vì công ty đã phát hành thêm 8,22 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5% vào tháng 9 vừa qua.

Đây là kỳ trả cổ tức thứ hai trong năm 2023 của Bảo hiểm Quân đội, trước đó, cổ đông đã nhận được 5% cổ tức bằng tiền mặt hồi đầu tháng 8.

Dự kiến trong quý 4/2023 và quý 1/2024, Bảo hiểm Quân đội sẽ chào bán hơn 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 2,86 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), nhằm tăng vốn điều lệ từ gần 1.727 tỷ đồng lên hơn 2.014 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp