Năm 2022, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt kim ngạch kỷ lục với 1,09 tỷ USD, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Góp phần không nhỏ cho kết quả này đến từ các doanh nghiệp đầu ngành như DPM, DCM, DHB…
Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM), quý 4/2022, doanh nghiệp thu về 3.899 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với quý 4/2021; lợi nhuận trước thuế đạt 1.277 tỷ đồng, giảm 36%.
Lũy kế cả năm 2022, DPM thu về 18.627 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 45% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.646 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2021. So với kế hoạch năm 2022, DPM đã vượt 8% về kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch về lợi nhuận, đồng thời đây cũng là năm có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của DPM.
Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của CTCP Phân bón và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB) cũng không mấy lạc quan khi đây là thời điểm nhu cầu ure giảm, giá ure thế giới và trong nước có xu thế giảm... Các yếu tố trên đã kéo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DHB giảm lần lượt 18% và 71%, với kết quả là 1.147 tỷ đồng và 85,1 tỷ đồng.
Dù vậy, tương tự DPM, kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Đạm Hà Bắc lại vượt xa so với mục tiêu năm đề ra. Cụ thể, vượt 43% kế hoạch về doanh thu và gấp 204 lần kế hoạch về lợi nhuận. Năm 2022 là năm DHB có kết quả kinh doanh “bùng nổ” sau 7 năm khó khăn và cũng là năm có lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Theo đó, lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 6.441 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 1.779 tỷ đồng, gấp 286 lần.
Một ông lớn khác trong ngành là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt về doanh thu thuần trong quý 4/2022 với +14% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4.458 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 8%, đạt 1.003 tỷ đồng do giá vốn, các khoản chi phí đều tăng cao.
Cả năm 2022, DCM tiếp tục thắng đậm nhờ xuất khẩu thuận lợi với tổng hơn 400.000 tấn phân bón, tương ứng thu về 6.395 tỷ đồng (gấp 3 lần so với năm 2021), góp phần đưa doanh thu thuần đạt 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 4.280 tỷ đồng, tăng 134% so với năm 2021 và vượt kế hoạch năm 16%.
CTCP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) trong quý 4/2022 ghi nhận doanh thu thuần tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.894 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 23 tỷ đồng, giảm tới 83%. Kết quả kinh doanh cả năm 2022 của BFC có phần ảm đạm hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành khi cả năm lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 234,9 tỷ đồng. Dù vậy, so với mục tiêu năm đề ra, BFC đã vượt 17%.
Theo báo cáo ngành phân bón công bố tháng 1 của SSI Research, năm 2022 chiến tranh Nga-Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy khí đốt tự nhiên, đẩy giá nguyên liệu sản xuất phân bón (dầu mỏ và khí tự nhiên) lên cao hơn, làm tăng giá ure. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất ure Việt Nam được hưởng lợi từ việc tính giá cao hơn tại các thị trường xuất khẩu (Ấn Độ và các nước ASEAN).
Giá ure bắt đầu hạ nhiệt dần kể từ tháng 5/2022. Dù vậy, các lệnh trừng phạt châu Âu vào Nga đã gián tiếp làm tăng giá than, khiến giá ure hạ nhiệt chậm hơn sau nửa đầu năm 2022.
Giá phân bón có thể lao dốc trong năm 2023
Theo SSI, giá ure có thể lao dốc trong năm 2023 do xuất khẩu ure từ các "ông lớn" là Nga và Trung Quốc đều sẽ phục hồi. Ngoài ra, nhu cầu ure có thể suy yếu trong năm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp. Quý 4 thường được coi là mùa cao điểm nhưng giá urê không tăng trong quý 4/2022. Các chuyên gia SSI cho rằng điều này đã phản ánh nhu cầu về ure đang suy yếu và có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023.
Trong quý 1/2023, các chuyên gia SSI cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, DPM và DCM sẽ giảm nhiều nhất, do vào tháng 1/2022 cả hai doanh nghiệp đều có những đơn hàng xuất khẩu với mức giá rất cao (hơn 900 USD/tấn so với giá hiện tại là 480 USD/tấn). SSI ước tính, năm 2023, lợi nhuận sau thuế của DPM và DCM đạt lần lượt 3.000 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ) và 2.260 tỷ đồng (giảm 41%).
Về phía doanh nghiệp, trước diễn biến khó lường của ngành, năm 2023 Đạm Phú Mỹ đặt ra mục tiêu kinh doanh thấp hơn so với kết quả đạt được của năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 17.372 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.670 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% về doanh thu và 59% về lợi nhuận so với kết quả đạt được năm 2022.
Phân bón Bình Điền cũng đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong quý 1/2023. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 1.354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 48% và 80% so với quý 1/2022.
Trong khi đó, Đạm Cà Mau cho biết sẽ tập trung hơn vào các thị trường quốc tế trong năm nay. Đầu năm 2023, Đạm Cà Mau đã tiến hành xuất khẩu 2 đơn hàng với khoảng 40.000 tấn phân bón. Thời gian tới, Đạm Cà Mau cho biết sẽ vận dụng mọi cơ hội để hướng ra thị trường quốc tế, bao gồm Nam Mỹ và Phillippines.