Trong quý I/2022, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tăng 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây được ghi nhận là mức kim ngạch cao nhất trong 5 năm qua và tăng gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch (năm 2019).
Top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Tổng 4 thị trường này chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu.
Về thị trường Trung Quốc và Hong Kong, sau khi ghi nhận sụt giảm trong năm 2021, xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này tăng cao liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 20 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã thích nghi tốt với chính sách “Zero Covid” của nước này. Sự tăng trưởng cao này đã đưa đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam.
Tương tự, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận đà tăng trưởng dương. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này đạt gần 19 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Nhật Bản hiện đang là nước nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối các nước thuộc CPTPP. Đây cũng là nước duy trì được sự tăng trưởng nhập khẩu cua ghẹ liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022.
Tại khối các nước EU, xuất khẩu ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường trong khối không ổn định. Pháp đang là thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu cua của Việt Nam đang phải cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Anh, Nauy, Madagascar, Trung Quốc và Indonesia; bao gồm tôm hùm, surimi.
Anh từng là đối thủ lớn nhất của cua Việt khi trong năm 2020 đạt 3.413 tấn cua đông lạnh xuất sang các nước châu Âu. Anh chủ yếu xuất khẩu cua nâu sang thị trường này. Brexit diễn ra đã khiến giao thương giữa Anh và EU gặp khó khăn, đây sẽ là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cua của Việt Nam.
Bất lợi cũng xảy ra với Madagascar và Trung Quốc khi 2 thị trường này đang có những vấn đề nội tại. Trong khi, cua bị khai thác quá mức của Madagascar sẽ bị EU “nhòm ngó” khi thị trường này yêu cầu khắt khe về truy xuất gốc và đảm bảo tính bền vững.
Chính sách “Zero Covid” đã khiến giao thương giữa EU và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó mặt hàng cua cũng chịu tác động. Tuy nhiên, giá cua Trung Quốc tương đối thấp sẽ nâng mức cạnh tranh cao hơn so với các thị trường đối thủ.
Trong khi đó, cua Nauy vẫn luôn giữ vững sức ảnh hưởng khi đảm bảo tốt chất lượng của mặt hàng. Nauy hiện được biết đến là nguồn cung cua tuyết và cua huỳnh đế lớn trên thế giới. Cua Nauy được đánh giá tốt khi được khai thác từ các vùng biển nước lạnh rất sạch với chất lượng cao.
Trong khi đó, đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong quý I/2022. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ.
Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại điều này đã giúp nhu cầu tiêu thụ cua ghẹ tăng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển đường biển tăng đã đẩy giá xuất khẩu tăng lên.
Mặt khác, hiện nay mặt hàng cua của Nga chiếm 30% thị phần nhập khẩu của Mỹ. Do vậy, khi lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản (gồm cua) từ Nga của chính phủ có hiệu lực đã khiến lượng nhập khẩu của Mỹ giảm đi đáng kể.
Ba tháng đầu năm nay, Mỹ giảm 9% lượng nhập khẩu cua huỳnh đế đỏ đông lạnh của Nga với 3.403 tấn. Tháng 3 năm nay, Mỹ nhập khẩu 257 tấn cua tuyết từ Nga, trị giá 5,8 triệu USD, giảm 86% về lượng và 84% về giá trị so với tháng 3 năm ngoái. Đây được cho là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cua của Việt tận dụng và tìm đường xâm nhập vào thị trường này.