Quy hoạch Hải Phòng là thành phố cảng biển quốc tế lớn

QUY HOẠCH hải phòng
10:19 - 16/01/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo thành phố. Ảnh: Haipong.gov
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo thành phố. Ảnh: Haipong.gov
0:00 / 0:00
0:00
Tận dụng những lợi thế sẵn có, quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định thành phố sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cho các cảng biển, hướng đến là trung tâm kinh tế biển hiện đại Đông Nam Á năm 2030.

Chiều 15/1, UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 3 (sau Đà Nẵng và Cần Thơ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 558 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt.

Quy hoạch cũng xác định đến năm 2030 đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics, công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế, quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Quy hoạch còn nêu rõ một số định hướng mới, nổi bật là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng; thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế.

Về phát triển hạ tầng kinh tế, quy hoạch định hướng đầu tư cảng biển Hải Phòng xứng tầm với vai trò là một trong hai cảng biển đặc biệt của cả nước. Hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm, đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, xây dựng mới các tuyến đường sắt gồm tuyến Hà Nội - Hải Phòng song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Ưu tiên cho hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số

Trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo thành phố, tại hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành Thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới".

Phó Thủ tướng lưu ý quy hoạch thành phố Hải Phòng cần tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng về xây xây dựng, mạng lưới đô thị, nông thôn, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật… nhằm đem đến hình dáng phát triển rõ ràng hơn trong tương lai.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thành phố ưu tiên cho các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn,...

"Những ý tưởng, tầm nhìn của thành phố cần sớm đặt trong mối quan hệ của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với với các vùng khác và quốc tế, với các dự án hạ tầng để tạo nền tảng phát triển lan toả", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng cần phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới như hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…,mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Hạ tầng xã hội phát triển theo hướng đa năng, ưu tiên mở rộng không gian văn hóa đô thị nhất là không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước, khuyến khích phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Haiphong.gov
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Haiphong.gov

Với yêu cầu thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, năng lượng sạch, du lịch xanh, Phó Thủ tướng cho rằng khả năng làm chủ và chủ động nguồn năng lượng xanh của Hải Phòng sẽ làm nên sức hút đầu tư, cùng với vị trí địa kinh tế độc đáo, nhân lực chất lượng cao, chính sách đất đai.

Thành phố cần nhanh chóng ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng. Triển khai đồng bộ, quyết liệt việc tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, nước thải đô thị bằng công nghệ hiện đại.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, khi lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, Hải Phòng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bởi những doanh nghiệp đến với Hải Phòng, không chỉ cam kết đầu tư mà còn cam kết chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai. Do đó Hải Phòng cần tận dụng cơ hội để lao động Việt Nam làm chủ những khâu quan trọng, có giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất, thương mại hoá.

Về vấn đề nhà ở, Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng triển khai các chính sách về nhà ở nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bảo đảm dịch vụ xã hội đô thị và hệ thống an sinh cho người dân.

Về vấn đề môi trường, Hải Phòng cần chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.

"Đáng chú ý, Hải Phòng đang có những những khu bảo tồn thiên nhiên hết sức quan trọng như Cát Bà, Lan Hạ đã được đưa lên bản đồ bảo tồn thế giới. Đây là sự quảng bá tốt nhất cho Hải Phòng và Việt Nam, cũng là nguồn tài nguyên quan trọng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, cùng với các lễ hội văn hoá nhằm tạo thành các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế", Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, với tiềm năng, lợi thế sẵn, Hải Phòng sẽ sớm trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, giàu mạnh, hiện đại.

Đọc tiếp