Theo đó, quý II, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 9.008 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Trong khi đó, mức tăng của giá vốn hàng bán lại chậm hơn doanh thu, tăng 19% đạt 5.923 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng mạnh 36% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3.086 tỷ đồng.
Quý II năm nay, công ty đang trên đà hồi phục tốt sau đại dịch nhờ vậy, chi phí tài chính đã có mức giảm mạnh 461%, còn khoảng gần 27 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính vẫn có sự tăng nhẹ 17% lên 253 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận mức lãi từ công ty liên doanh tăng mạnh tới gần 5,7 lần lên 74 tỷ đồng. Đồng thời chi phí bán hàng đã có sự giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ, còn 1.012 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 1.793 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 67%.
Lũy kế hai quý đầu năm, doanh thu của Sabeco đã đạt 16.315 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, giá vốn hàng bán cũng tăng 21%, đạt 11.052 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp ghi nhận mức tăng trưởng 32%, cao hơn doanh thu, lên tới 5.263 tỷ đồng.
Chi phí tài chính của Sabeco ghi nhận mức tăng mạnh 272% lên hơn 37 tỷ đồng, chủ yếu do phần lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gần 16% lên 15,6 tỷ đồng và do công ty năm nay không có khoản bù của phần dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn.
Ngoài ra, nhờ cả hai quý đều ghi nhận mức lợi nhuận tốt tại công ty liên doanh nên nửa đầu năm, phần lãi này tăng trưởng tới 78% so với cùng kỳ, đạt gần 129 tỷ đồng. Bên cạnh chi phí bán hàng giảm nhẹ 9% xuống còn 1.767 tỷ đồng, thì chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 24% lên 330 tỷ đồng, tuy nhiên con số thực tăng không nhiều. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Sabeco vẫn tăng mạnh 47%, đạt 3.029 tỷ đồng.
Năm 2022, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu đạt 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 4.581 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 17% so với thực hiện năm 2021 do công ty có sự kỳ vọng vào khả năng hồi phục của thị trường nước giải khát trong năm nay, khi các hoạt động vui chơi, giải trí và du lịch được mở cửa trở lại. Tính đến hết nửa đầu năm, Sabeco đã hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận.
Về kết quả này, Sabeco giải thích doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ, du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, nhờ đó, nhu cầu tiêu dùng đã dần phục hồi.
Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công ty đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của việc gia tăng chi phí đầu vào.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của Sabeco đạt 31.341 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Trong đó, chủ yếu là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, cụ thể là khoản tiền gửi tiết kiệm có thời hạn từ 3 tháng– 1 năm, đạt 18.210 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Năm nay, Sabeco vẫn giữ nguyên mức đầu tư gần 21 tỷ đồng trái phiếu vào Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, nhưng không còn khoản tiền gửi dài hạn nào nữa. Vì vậy, khoản đầu tư tài chính dài hạn đã giảm từ 90,5 tỷ xuống còn 21 tỷ, giảm 77%. Ngoài ra, công ty còn có khoản gần 2.490 tỷ đồng đầu tư, góp vốn vào các công ty, công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, trong đó chủ yếu là các công ty chuyên sản xuất bia, rượu, nước giải khát và các công ty du lịch.
Hồi cuối quý I năm nay, công ty đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 15%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 1.500 đồng. Với khoảng 641,28 triệu cổ phiếu, Sabeco đã chi gần 962 tỷ đồng để thực hiện trách nhiệm với cổ đông.
Tại phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu SAB đã tăng mạnh 3,2%, giao dịch ở mức 173.000 đồng/cp, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu Sabeco kể từ phiên giảm mạnh đột ngột ngày 25/4.