Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Điện Biên.

Rất cần chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

dân tộc QUỐC HỘI
11:11 - 07/11/2023
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn ban đầu nhưng khi có hành lang pháp lý đầy đủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ vận hành trơn tru, về đích đúng kỳ vọng.

Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Điện Biên khi chia sẻ với Mekong ASEAN. Là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên tại miền núi, nữ đại biểu có nhiều trăn trở với việc nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho bà con.

Mekong ASEAN: Với kết quả giám sát của Quốc hội, bà có đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình)?

Đại biểu Lò Thị Luyến: Tôi rất ghi nhận và biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ các giai đoạn trước đã có những chính sách thiết thực, đặc biệt là về giáo dục, y tế... giúp đời sống bà con được cải thiện như ngày hôm nay.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021. Tuy nhiên phải đến tháng 5/2022, Chương trình mới bắt đầu vận hành. Đây là chương trình mới nhưng lại rất lớn, với 10 dự án cùng khối lượng văn bản đồ sộ nên ban đầu không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu ban hành văn bản. Vì vậy thời điểm này chúng ta chưa thể nhìn rõ những kết quả cụ thể.

Trong quá trình triển khai bước đầu, các vướng mắc đã được địa phương nhận thấy và đó chính là lý do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên kiến nghị Quốc hội thực hiện giám sát và được chấp thuận. Báo cáo giám sát đã chỉ ra những vấn đề cụ thể, Chính phủ cũng đã có những đề xuất để giải quyết các vấn đề đó.

Tôi hoàn toàn đồng ý với các đề xuất của Chính phủ và mong rằng sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này. Khi có hành lang pháp lý thông suốt, tôi tin rằng Chương trình sẽ vận hành trơn tru, đạt các mục tiêu đã đề ra đúng thời hạn; góp phần thay đổi hơn nữa diện mạo đời sống kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

NẾU PHẢI TRẢ LẠI VỐN SỰ NGHIỆP THÌ RẤT TIẾC VÀ LÃNG PHÍ

Mekong ASEAN: có thể chia sẻ rõ hơn những vướng mắc khiến việc triển khai Chương trình gặp những khó khăn nhất định trong thời gian qua?

Đại biểu Lò Thị Luyến: Qua thực tế triển khai tại địa phương, tôi nhận thấy có hai vướng mắc lớn nhất, đó là văn bản hướng dẫn và giao vốn sự nghiệp.

Về văn bản hướng dẫn, sau khi có nghị quyết của Quốc hội và phê duyệt của Chính phủ, Tỉnh uỷ Điện Biên đã chỉ đạo thực hiện Chương trình ngay. UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo. Tuy nhiên khối lượng văn bản khổng lồ, dẫn chiếu phức tạp nên địa phương gặp khó khăn. Với những văn bản chưa hiểu thì phải hỏi lại cơ quan Trung ương gây mất thời gian. Vì vậy tới tháng 6/2023, tỉnh mới ban hành đầy đủ tất cả các văn bản.

Thực tế, tất cả các dự án trong Chương trình đều được thiết kế từ khảo sát nhu cầu thực tế địa phương, rất cần thiết, nhưng tổ chức ngoài thực tế và đưa đến các đối tượng thì phải đủ căn cứ pháp lý. Ví dụ như dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phụ trách, sổ tay hướng dẫn của Hội và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có những nội dung chưa khớp với nhau. Vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải ngân và thanh quyết toán.

Theo quan điểm của tôi, đã là tiền của Nhà nước thì một đồng chi ra cũng phải có cơ sở pháp lý rõ ràng thì mới không để lại hậu quả cho người thực hiện.

Về phân bổ vốn, nguồn vốn đầu tư thì không có vấn đề gì vì đã phân bổ theo giai đoạn, dự án nào với mức tiền bao nhiêu. Tuy nhiên nguồn vốn sự nghiệp thì gặp ách tắc, vì đây là chương trình mới, nhiều nội dung, công tác chuẩn bị lâu nên việc chi hàng năm là chưa phù hợp. Có dự án chưa chuẩn bị kịp, lại có những dự án đã chuẩn bị sẵn nhưng lại không được giao vốn. Vì vậy, Chính phủ đã có đề xuất thực hiện như chương trình nông thôn mới, đó là Trung ương giao tổng vốn, địa phương chủ động phân bổ.

Thực tế khi thực hiện chương trình nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo các giai đoạn trước, tỉnh Điện Biên phải trả lại rất nhiều vốn sự nghiệp, do vướng mắc hành lang pháp lý. Đây là nguồn vốn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương, vì vậy việc phải trả lại, tôi thấy rất đáng tiếc và lãng phí.

Các địa phương cũng đang đề nghị chuyển nguồn vốn sự nghiệp cho Chương trình từ 2021-2022 sang 2023 không thực hiện hết sang 2024, vì thời gian qua việc không tiêu hết tiền chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện. Nếu Quốc hội thông qua các đề xuất của Chính phủ, các nút thắt sẽ được tháo gỡ và việc giải ngân cũng sẽ đi vào quỹ đạo.

Ngoài hai vấn đề lớn trên, thì nhiều vướng mắc phát sinh thực tế khác cũng rất cần cơ chế để giải quyết. Ví dụ cụ thể như việc mua con giống cho địa phương. Theo Luật Chăn nuôi và nhiều văn bản quy định, thông tư liên quan khác, địa phương phải mua con giống đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở, tức biết nguồn gốc xuất xứ, tiêm vắc xin, có nhật ký chăm sóc...

Với tiêu chuẩn này thì con giống chủ yếu ở dưới xuôi, ở những trang trại theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên nếu vận chuyển lên khu vực miền núi như chúng tôi thì không phù hợp, vì đồng bào vẫn chủ yếu nuôi theo phương pháp quảng canh (thả rong). Và thực tế, đồng bào cũng có kiến thức để mua con giống sao cho phù hợp.

Mekong ASEAN: Là người có nhiều tâm huyết với các vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà có trăn trở và đề xuất gì?

Đại biểu Lò Thị Luyến: Bà con dân tộc thiểu số chúng tôi chỉ có mong muốn lớn nhất là được Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới, phủ sóng phát thanh truyền hình và có sóng điện thoại. Tôi cho rằng khi có 4 thứ đó thì văn minh sẽ tự đến với đồng bào. Đi lại thuận tiện, mở rộng hiểu biết, người dân sẽ tự vươn lên. Như hiện nay, với những khu vực gặp trở ngại về hạ tầng giao thông thì người dân có làm ra sản phẩm cũng không ai vào mua, hoặc chở ra được đến huyện thì cũng dập, hỏng.

Về lâu dài, tôi mong rằng 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ gộp vào làm 1, có cơ chế quản lý chung, thống nhất. Tôi cũng đề xuất Nhà nước cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển nhiều hơn vốn sự nghiệp, vì đây là nguồn vốn quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.

Đề xuất 7 chính sách đặc thù thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Dự thảo đề xuất 7 chính sách, cơ chế đặc thù như sau:

Chính sách 1: Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính sách 2: Về cơ chế giao UBND cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất.

Chính sách 3: Về cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng.

Chính sách 4: Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản (nếu có) sau khi kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất;

Chính sách 5: Về cơ chế ủy thác vốn đầu tư công nguồn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.

Chính sách 6: Về cơ chế giao danh mục dự án đầu tư công đối với các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, có sự tham gia của người dân.

Chính sách 7: Về cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đọc tiếp