Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng nội địa tin tưởng và ưa chuộng vì chất lượng, mẫu mã. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Từ ngày 26-29/12 tại công viên hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức hội chợ Made in Vietnam 2023 với quy mô khoảng 100 gian hàng.
Theo ban tổ chức, đối tượng tham gia hội chợ gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các đơn vị của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sản phẩm trưng bày, quảng bá giới thiệu gồm các sản phẩm được sản xuất trong nước thuộc mọi ngành hàng như sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ quà tặng, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, máy móc, dệt may, da giày, phụ kiện.
Du khách tham quan và mua sắm sản phẩm tại hội chợ Made in Vietnam 2023. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Tại hội chợ còn diễn ra các hoạt động quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Thủ đô và du khách. Tổ chức các chương trình khuyến mại, tặng quà, dùng thử sản phẩm, trình diễn sản phẩm, giới thiệu câu chuyện về sản phẩm.
Hội chợ Made in Vietnam 2023 được xem là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm sản xuất tại Việt nam, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thanh Hương (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi ưu tiên mua các mặt hàng sản xuất trong nước, chủ yếu là các nhu yếu phẩm như nước giặt, quần áo, giày dép và thực phẩm. Tôi cũng từng mua các sản phẩm nhập khẩu, so về chất lượng với hàng Việt thì không có sự chênh lệch nhưng hàng trong nước thì rẻ hơn rất nhiều".
Na Chi Lăng, Lạng Sơn, đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy hàng Việt Nam có nhiều ưu điểm như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà giá thành hợp lý nên những năm gần đây gia đình tôi thường xuyên tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước, từ các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, đến đồ điện tử, điện lạnh như quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh, bình nước nóng".
Thời gian tới, chị Hà mong muốn thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen cho người tiêu dùng.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Bùi Minh Huệ, chủ gian hàng chuyên bán sản phẩm hữu cơ Kiin Organic cho biết, các mặt hàng Việt Nam hiện nay rất phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Người Việt có xu hướng sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn bởi vì hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và không ngừng được cải thiện, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, có tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, giá thành hợp lý cũng là một lý do giúp người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng hàng Việt hơn.
Người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm OCOP Việt ngay tại các gian hàng trong hội chợ. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Đồng tình với quan điểm trên, anh Lê Văn Trọng, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm đánh giá các sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong đó, hàng Việt Nam được ghi nhận có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe.