Đa số các nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh. |
VN-Index hôm nay nhiều thời điểm tụt xuống dưới mức tham chiếu nhưng kết phiên vẫn tăng nhẹ gần 1 điểm lên mốc 1.174,09 điểm, đánh dấu phiên thứ 8 liên tiếp chỉ số đi lên. Thế giằng co thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư tại khu vực điểm 1.170 điểm. Thanh khoản cũng đồng thuận với điều này khi sụt giảm xuống mức hơn 19.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng phiên thứ hai liên tiếp, với giá trị mua ròng hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE (trên tổng số hơn 2.500 tỷ đồng giao dịch). Khối ngoại chuyển sang gom mạnh VNM với 185 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng 73 tỷ đồng. KBC, VHC, VND, PNJ, HPG, VRE, VIC, HCM được mua ròng từ 23 đến 43 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất 2 cổ phiếu ngân hàng VPB và TPB với giá trị 62 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có DGC, HSG, BID, STB, PLX, CTG, DGW, DBC, GMD…
Nhóm ngân hàng là trụ lực để VN-Index giữ được thế cân bằng trong phiên rung lắc. Các mã ngân hàng trong nhóm VN30 đa số đều tăng giá, với TPB tăng mạnh nhất 3,8%, VPB tăng 2,4%, STB, TCB, BID tăng hơn 1%. CTG và VIB tăng nhẹ, MBB và HDB đứng tham chiếu. Chỉ có VCB giảm 0,5%.
Không chỉ các bluechip, hầu hết các mã ngân hàng đều đóng cửa trong sắc xanh. SHB, KLB, NVB đều tăng hơn 3%.
Nhóm ngân hàng diễn biến tích cực sau thông tin SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ được thêm vào rổ VN30 để thay thế cho NVL của Novaland và PDR của Bất động sản Phát Đạt.
Sự góp mặt của SHB và SSB nâng số lượng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 lên 13 mã, bên cạnh ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VIB và VPB. Danh mục mới có hiệu lực từ ngày 7/8.
Với sự thay đổi sắp tới, SSI Research ước tính SSB sẽ được các quỹ trên mua vào 14 triệu cổ phiếu và SHB sẽ được mua vào 19 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, các quỹ sẽ bán ra khoảng 8,8 triệu cổ phiếu NVL và 2,5 triệu cổ phiếu PDR.
Ngoài nhóm ngân hàng thì chỉ còn nhóm bảo hiểm và vài nhóm nhỏ ở chiều tăng giá. Các nhóm trụ cột khác của thị trường như chứng khoán, bất động sản - xây dựng, thép… đều giảm. Áp lực điều chỉnh diễn ra theo hướng phân hóa chứ không đồng loạt.
Nhóm bất động sản và xây dựng có HDC tăng trần, NLG tăng 3,6%. DIG, DXG, VCG, HHV, DPG, KDH DXS… tăng nhẹ. Áp lực giảm đến từ CEO -2,4%, NVL -2%, VRE -1,2%; VIC, VHM, PDR, KBC, HUT, CII, TCH, BCG, LDG… đều ở chiều giảm.
Tương tự tại nhóm chứng khoán, hai mã tăng trần là APG và IVS. BMS, HAC tăng mạnh 5-6%. VND, VIX tăng nhẹ. Ngược lại, SSI, VCI giảm 0,9%. HCM, MBS, SHS, TCI, VSD, FTS… ở chiều giảm giá.
Nhóm thép chịu áp lực điều chính do 3 mã đầu ngành đều giảm giá: HPG -0,45, HSG -2,3%, NKG -1,8%. Đáng chú ý là POM của CTCP Thép Pomina tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức giá 8.450 đồng/cp. Từ cuối tháng 6 đến nay, mã này đã tăng tới 33%; còn tính từ cuối tháng 5 thì mức tăng lên tới 100%.
Những phiên “tím trần” liên tiếp xuất hiện ngay sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của POM diễn ra ngày 14/7. Tại đại hội, ban lãnh đạo cho biết hãng thép Nhật Nansei Steel sẽ mua 70 triệu cổ phiếu POM phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp.
Quá trình phát hành sẽ được chia thành 2 đợt: Đợt 1 sẽ phát hành 10,6 triệu cổ phiếu và diễn ra vào tháng 8/2023; đợt 2 phát hành gần 59,6 triệu cổ phiếu và diễn ra vào tháng 9/2024. Lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh trên cả nước, với thế mạnh là xuất khẩu. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ của POM, đại diện Nansei Steel cho biết công ty đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán.
Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo Pomina đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, từ lãi 300 tỷ đồng xuống lỗ 150 tỷ đồng. Lý do là để phù hợp với tình hình thực tế và thể hiện sự thận trọng của ban lãnh đạo khi ngành bất động sản còn đình trệ.