Singapore tiếp tục ghi nhận tỷ lệ sinh giảm thấp kỷ lục trong năm 2023. Ảnh: Straits Times |
Theo hãng tin CNA, ước tính sơ bộ cho thấy tổng tỷ suất sinh của Singapore giảm xuống mức 0,97 trong năm 2023, tiếp tục đà giảm so với mức thấp kỷ lục trước đó là 1,04 vào năm 2022 và 1,12 vào năm 2021.
Nhận định về tình hình này, Bộ trưởng thuộc Văn phòng Thủ tướng (PMO) Indranee Rajah trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 28/2 cho biết: “Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tỷ lệ sinh thấp của Singapore. Một số nguyên nhân chỉ mang tính tạm thời, ví dụ như các cặp vợ chồng đã có kế hoạch kết hôn bị gián đoạn do COVID-19, điều này có thể khiến kế hoạch làm cha mẹ của họ bị trì hoãn”.
Một số nguyên nhân khác tới từ việc chi phí nuôi dạy con cao, áp lực phải trở thành cha mẹ xuất sắc hoặc khó khăn trong việc quản lý công việc và cam kết với gia đình. Bà cũng chỉ ra rằng tỷ lệ sinh thấp của Singapore phản ánh một hiện tượng toàn cầu, nơi các ưu tiên cá nhân và chuẩn mực xã hội đã thay đổi. Nhiều người trẻ tuổi tìm thấy ý nghĩa trong việc theo đuổi các mục tiêu khác nhau và nhiều người không coi việc kết hôn hay sinh con là một mục tiêu quan trọng của cuộc sống.
Trong bối cảnh tổng tỷ suất sinh giảm kỷ lục, bà nhận định tương lai của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. CNA dẫn lời bà cho biết một nền kinh tế mạnh mẽ và sôi động là rất quan trọng đối với Singapore vì nó “giúp nâng cao mức sống và cung cấp cho chúng tôi nguồn lực để giải quyết các thách thức”.
“Tuy nhiên, một nền kinh tế sôi động cuối cùng vẫn được thúc đẩy bởi con người. Với số ca sinh ít hơn, chúng ta sẽ phải đối mặt với lực lượng lao động bị thu hẹp. Việc duy trì sự năng động của Singapore, thu hút các doanh nghiệp toàn cầu và tạo cơ hội cho thế hệ tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn hơn,” bà cho biết.
Để giúp cải thiện tình hình, bà Indranee đã trình bày kế hoạch của Văn phòng Thủ tướng, trong đó bao gồm một số đề xuất giúp giảm bớt áp lực tài chính lên các cặp vợ chồng cũng như tạo nên môi trường thuận lợi cho việc nuôi dạy trẻ.
Cụ thể, bà cho biết Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore (MSF) đang “tăng cường” năng lực chăm sóc trẻ sơ sinh và có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ như một lựa chọn chăm sóc trẻ sơ sinh bổ sung cho các gia đình. Về những lo ngại liên quan đến chi phí nuôi dạy trẻ, bà cho biết MSF sẽ hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025.
Bà Indranee cũng chỉ ra các biện pháp được công bố trong Ngân sách 2023 nhằm tăng cường hỗ trợ cho các bậc cha mẹ và gia đình, chẳng hạn như tăng thời gian nghỉ thai sản do chính phủ chi trả lên 4 tuần. Bà khẳng định, chính phủ sẽ yêu cầu thêm thời gian nghỉ phép “càng sớm càng tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người cha hơn”.
Bên cạnh việc tăng thời gian nghỉ phép, chính phủ cũng đang tìm kiếm những “phương pháp bền vững” khác như khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và gia đình. Sự hỗ trợ của người sử dụng lao động cũng có thể bao gồm các yếu tố các như phòng vắt sữa.
Đặc biệt, chính phủ Singapore quan tâm tới chính sách nhập cư như một phương pháp giảm thiểu tác động của tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số đối với nền kinh tế và xã hội quốc gia này.