Singapore và Indonesia đang cùng hợp tác phát triển công cụ AI như ChatGPT. Ảnh: PHILIPPINE DAILY INQUIRER |
Theo hãng tin Straits Times, 4 thực thể Indonesia ngày 30/11 đã cùng ký một bức thư diễn tả ý định (LOI) với AI Singapore – chương trình AI quốc gia của Singapore. AI Singapore được ra mắt vào năm 2017 và là tập hợp các tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore để nâng cao kiến thức trong lĩnh vực AI và phát triển các nỗ lực AI của đảo quốc sư tử.
Các thực thể của Indonesia có liên quan bao gồm Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia và Cơ quan Hợp tác Nghiên cứu và Đổi mới về Trí tuệ Nhân tạo (Korika). Hai công ty còn lại đều là các công ty phát triển công cụ AI được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm GDP Venture bao gồm Glair.ai và Datasaur.ai.
Trong thông cáo chung, các bên khẳng định việc ký kết nhằm đánh dấu một cột mốc trong việc phát triển một công cụ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới sử dụng công nghệ tương tự như của ChatGPT và Bard của Google. Đích đến cuối cùng của thỏa thuận này là hợp tác và phát triển một công cụ LLM nguồn mở cho tiếng Bahasa Indonesia mà “nhiều bên liên quan có thể truy cập được”.
LLM xử lý lượng lớn thông tin và tìm hiểu cách sử dụng ngôn ngữ, từ đó cho phép phân tích văn bản, hiểu ngữ cảnh của truy vấn, tạo văn bản giống con người để đáp ứng hướng dẫn và thực hiện các tác vụ khác liên quan đến ngôn ngữ. Trong năm 2023, những công cụ này đã trở nên phổ biến nhờ sự bùng nổ của ChatGPT.
Theo số liệu được công bố vào tháng 1/2023 bởi công ty nghiên cứu toàn cầu Statista, tiếng Bahasa Indonesia chỉ chiếm 0,6% nội dung trực tuyến trong khi tiếng Anh chiếm 58,8%. Thông cáo chung do đó nhận định: “Thực tế này nhấn mạnh sự cấp thiết của những nỗ lực nghiên cứu và phát triển rộng hơn, nhằm đáp ứng các sắc thái và nhu cầu ngôn ngữ độc đáo của tiếng Bahasa Indonesia”.
Ngoài ra, Straits Times dẫn lời ông Darius Liu, người đứng đầu chiến lược, quan hệ đối tác và tăng trưởng của AI Singapore, cho biết các công cụ LLM có rất nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều công cụ trong số đó đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc và có thể không hoàn toàn phù hợp với thị trường Đông Nam Á.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông cho biết sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm tạo ra những công cụ như vậy cho khu vực ASEAN là rất quan trọng nhằm giải quyết tình trạng thiếu sự hiện diện của Đông Nam Á trong các LLM thường được sử dụng ngày nay.
Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia Nezar Patria – người cũng có mặt tại buổi lễ – cũng bày tỏ quan điểm tích cực về việc phát triển công cụ AI của khu vực. Ông khẳng định sự hợp tác này nhấn mạnh AI đã giúp người lao động trong nước trở nên hiệu quả hơn trong công việc và có thể giúp ích cho sự phát triển của quốc gia trong tương lai. Tới năm 2030, ông cho biết AI có thể tăng thêm 366 tỷ USD vào GDP của Indonesia và gần 1.000 tỷ USD vào GDP bổ sung trên khắp Đông Nam Á.
Thỏa thuận này được đưa ra sau khi tiếng Bahasa Indonesia được chỉ định là ngôn ngữ chính thức thứ 10 của Đại hội đồng UNESCO trong phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng tại Paris vào ngày 20/11 vừa qua. Chín ngôn ngữ còn lại là tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Quan Thoại, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Hindi, tiếng Italy và tiếng Bồ Đào Nha.