Quang cảnh Suzu, Ishikawa ngày 5/1/2024. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP dẫn lời các quan chức tại Ishikawa – tỉnh chịu ảnh hưởng của động đất nặng nề nhất, có 55 người được xác nhận thiệt mạng ở thành phố Wajima, 23 người ở Suzu, trong khi những người khác được báo cáo thiệt mạng ở 5 thị trấn lân cận. Tính tới 5/1, số người bị thương đang ở ngưỡng hơn 460 người, với ít nhất 24 người bị thương nặng.
Các trận động đất xảy ra đúng ngày đầu năm 2024 đã gây ra đám cháy lớn ở thị trấn Wajima cũng như gây ra sóng thần và lở đất trong khu vực. Do một số tuyến đường bị hư hại và cản trở, nhiều cộng đồng dân cư bày tỏ sự lo ngại ngày càng gia tăng trong bối cảnh các mặt hàng cứu trợ khẩn cấp như nước, thực phẩm, chăn màn và thuốc men vẫn chưa đến nơi.
Ngoài những người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát, các chuyên gia cũng cảnh báo về bệnh tật và thậm chí tử vong tại các trung tâm sơ tán hiện đang chứa khoảng 34.000 người mất nhà cửa, với nhiều người trong số đó là người cao tuổi.
Để giúp đỡ quá trình cứu trợ, hàng nghìn binh sĩ Nhật Bản đã được cử tới các khu vực bị động đất ảnh hưởng, đặc biệt là khu vực Bán đảo Noto – tâm chấn của trận động đất được kết nối với phần còn lại của đảo chính Honshu bằng một dải đất hẹp. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Cứu mạng sống người dân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi đang chiến đấu với thời gian. Điều quan trọng là những người bị mắc kẹt trong nhà phải được giải cứu ngay lập tức”.
Trong bối cảnh thiên tại, chính phủ Mỹ ngày 5/1 đã công bố khoản viện trợ 100.000 USD cho Nhật Bản bao gồm chăn, nước và vật tư y tế, đồng thời cam kết sẽ cung cấp thêm viện trợ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi trợ giúp cần thiết cho Nhật Bản sau trận động đất. Hãng tin Reuters dẫn lời ông cho biết: “Là những đồng minh thân cận, Mỹ và Nhật Bản chia sẻ mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, đoàn kết. Suy nghĩ của chúng tôi hướng về người dân Nhật Bản trong thời điểm khó khăn này”.
Chiều ngày 1/1, trận động đất với cường độ 7,6 độ Richter cùng hàng chục cơn dư chấn đã làm rung chuyển Ishikawa và khu vực lân cận. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) vào thời điểm đó đã đưa ra cảnh báo sóng thần lớn đối với Ishikawa và các cảnh báo hoặc khuyến cáo về sóng thần cấp thấp hơn đối với phần còn lại của bờ biển phía tây của đảo chính Honshu của Nhật Bản, cũng như đối với đảo phía bắc Hokkaido. Tuy nhiên, cảnh báo được hạ cấp vài giờ sau đó và tới đầu ngày 2/1, tất cả cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.
Là quốc gia nằm dọc theo “vành đai lửa Thái Bình Dương” – một vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lực vực Thái Bình Dương, Nhật Bản thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần.
Hồi tháng 3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter dưới đáy biển ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản đã gây ra sóng thần khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng hoặc mất tích. Trận sóng thần năm 2011 cũng khiến 3 lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima tan chảy, gây ra thảm họa tồi tệ nhất kể từ Chernobyl.
Lực lượng cứu hộ tiến hành tìm kiếm và giải cứu trong các đống đổ nát tại Suzu, Ishikawa ngày 5/1/2024. Ảnh: AP |