Sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất

bsr Việt nAM
22:11 - 25/07/2023
Qua 15 năm hình thành và phát triển, NMLD Dung Quất được đánh giá là “đòn bẩy” cho nền kinh tế Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung. Nguồn: BSR.
Qua 15 năm hình thành và phát triển, NMLD Dung Quất được đánh giá là “đòn bẩy” cho nền kinh tế Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung. Nguồn: BSR.
0:00 / 0:00
0:00
Việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất đã được xác định tại Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích và thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung - Tây Nguyên.

Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được coi là “kim chỉ nam” hành động để các bộ, ngành, địa phương định hướng việc cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Nghị quyết 26 cũng nêu rõ mục tiêu: “Mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất”.

Đây là một quyết sách rất quan trọng của Bộ Chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Việc xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia ở đây sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất nhằm nâng tổng công suất chế biến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến để bảo đảm nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm (EURO V); Ổn định Nhà máy Sản xuất nhựa Polypropylene Dung Quất và tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ NMLD Dung Quất đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ các sản phẩm hóa dầu.

Nhân sự tại BSR được đánh giá đã làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu. Nguồn: BSR.

Nhân sự tại BSR được đánh giá đã làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu. Nguồn: BSR.

Xét trên khía cạnh thực tế, việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất là dựa trên sự phát triển nhanh, bền vững của những thực thể hiện tại, đặc biệt là sự lớn mạnh của NMLD Dung Quất.

Năm 2006, NMLD Dung Quất còn đang xây dựng đã góp phần giúp tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên tăng lên cao nhất với 35,6%. Tới năm 2022, thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 34.405 tỷ đồng, riêng BSR đóng góp hơn 19.000 tỷ đồng (hơn 54%), góp phần đưa tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, đứng thứ nhất trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sau 15 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại, BSR đã có đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người có trình độ, chuyên môn cao trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Đến nay, BSR chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trước kia là 200 chuyên gia) và 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu đang làm việc tại BSR.

Đây được xem là bước phát triển vững mạnh, khẳng định những người thợ lọc dầu Việt Nam đã làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, một trong những điều kiện cần thiết để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

NMLD Dung Quất đã giúp tỉnh Quảng Ngãi tạo lập nền móng ban đầu cho tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại NMLD Dung Quất hiện có các nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Nguồn: BSR.

Tại NMLD Dung Quất hiện có các nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Nguồn: BSR.

Thực tế, trong những năm qua, cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước, Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá có các tiềm năng về cơ sở hạ tầng cho việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia với cảng nước sâu Dung Quất thuận tiện cho vận tải đường hàng hải, có diện tích kho bãi lớn nhất so với các cảng biển tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích 45,3 ha.

Bên cạnh đó, tại đây còn có tuyến Quốc lộ 1A đi qua 5 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung dài 445km, riêng đi qua địa phận Quảng Ngãi dài 98km; Các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Bình Định dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Ngoài ra, tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh hiện đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để sớm đưa vào khai thác...

Hiện tại, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia Dung Quất, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình hoàn thành đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đưa vào quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, NMLD Dung Quất dần khẳng định việc làm chủ công nghệ trong lĩnh vực lọc hóa dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam. NMLD Dung Quất đã có những tác động cụ thể đến nền kinh tế miền Trung như: Phát triển kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển liên kết ngành, liên kết vùng; Tác động trong các lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển, công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu; Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, NMLD Dung Quất đã được Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nâng cấp mở rộng. Việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất sẽ tạo tiền đề cho việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Theo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), hiện các quy hoạch năng lượng quốc gia đã đưa ra các nhóm giải pháp khác nhau để thực hiện gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về thị trường năng lượng, giá năng lượng; Giải pháp về thúc đẩy và khuyến khích đầu tư; Giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Giải pháp về khoa học và công nghệ; Giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về hợp tác quốc tế và giải pháp về điều hành quy hoạch.

Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2009 đến năm 2022, NMLD Dung Quất đã nộp ngân sách Trung ương khoảng 207.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất 1.583 tỷ đồng (khoảng 0,9%).

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay, hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất cũng như ảnh hưởng rất lớn đời sống của nhân dân trên địa bàn. Do đó, nên chăng cần có chủ trương hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương từ nguồn thu của NMLD Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo?”.

Vì vậy, việc sớm hình thành Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp cho việc nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất có cơ sở triển khai thực hiện các công việc liên quan, phù hợp với “hệ sinh thái” lọc hóa dầu.

Trong thời gian tới, để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, cần tập trung nguồn lực để triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và các dự án hóa dầu, sau hóa dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nhà máy, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.