Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội,, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội. Nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Khơi thông các nguồn lực cho Hà Nội
Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.
Cụ thể, bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho thành phố Hà Nội, như được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp.
Đặc biệt, cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư.
Dự thảo luật cũng xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực…
Thu hút "đại bàng" đến làm tổ
Trao đổi với Mekong ASEAN, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những thay đổi căn bản và mang tính đột phá với tinh thần trao quyền quyết định nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi sửa đổi Luật, các cơ quan, đại biểu đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình cũng như nhân dân cả nước vào các cơ chế, chính sách để Thủ đô của cả nước phát triển. Trên cơ sở đó, với thành phố Hà Nội, sửa đổi Luật Thủ đô là thực hiện trọng trách, sứ mệnh được nhân dân, cử tri và các địa phương trong "xây dựng Thủ đô trở thành bộ mặt đại diện cho cả nước".
Kỳ họp này, Quốc hội đồng thời thảo luận 3 nội dung rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và Luật Thủ đô. Đây là một cơ hội rất hiếm có, để tạo ra bứt phá, tạo định hướng và cơ sở pháp lý để thực hiện những định hướng này.
Quy hoạch Thủ đô chính là tạo ra những định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho Thủ đô, để đưa Thủ đô trở thành một hình ảnh đại diện của quốc gia, xứng tầm so với thủ đô của các nước khác trên thế giới.
"Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực, đặc biệt những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút FDI," đại biểu nói.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên về số lượng và sâu hơn về chất lượng. Hà Nội tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại,…
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, chỉ riêng tháng 5/2024, trên địa bàn thành phố có 19 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 17,3 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút gần 1,14 tỷ USD vốn FDI. Trong đó đăng ký cấp mới 92 dự án với số vốn đạt 1,025 tỷ USD; 64 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 36,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 86 lượt, đạt 57,9 triệu USD. Con số này đã giúp Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2 cả nước, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản đã hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội kỳ vọng tạo ra bước phát triển vượt trội bứt phá, vượt trội, trong đó có thu hút đầu tư.
Về cơ bản, phát triển Thủ đô là cả quá trình chứ không thể đong đo bằng thời gian ngắn. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2045 là nước thu nhập cao, ngang tầm với các nước phát triển. Quy hoạch Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Hà Nội là Thủ đô đứng hàng đầu các nước trong khu vực, ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới.
"Lộ trình đó đạt được hay không phụ thuộc vào khai thác quy chế, cơ chế đã được đưa ra đặc thù vượt trội cho Thủ đô, đòi hỏi sự quyết tâm cao không chỉ của chính quyền Thủ đô trong chuyển đổi mà còn sự tập trung nguồn lực rất lớn của xã hội để tạo ra bộ mặt cho đất nước thực sự đột phá, xứng tầm với nước phát triển vào năm 2045," đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn |
Hiệu ứng thu hút đầu tư lan tỏa vùng Thủ đô
Cũng đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Luật này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, việc sửa đổi Luật Thủ đô, nhất là khi luật được ban hành, đi vào cuộc sống thực tiễn sẽ có tác động lớn đến các tỉnh trong vùng Thủ đô. Nói cách khác, các địa phương trong vùng Thủ đô sẽ được Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển toàn diện các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Luật Thủ đô được xem như là bệ phóng không chỉ cho Thủ đô mà còn để các tỉnh trong vùng Thủ đô như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nói.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn |
Nhìn rộng hơn, việc những chính sách, cơ chế trong Luật Thủ đô có hiệu lực không chỉ tạo hành lang hạ tầng và chính sách đồng bộ cho thu hút đầu tư nước ngoài cho Hà Nội mà còn có ý nghĩa lan tỏa đến các tỉnh lân cận, tạo hệ sinh thái đầu tư tiềm năng.
Với tác động có ý nghĩa rất quan trọng như vậy, để đảm bảo tính khả thi của Luật, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung quy định về mối quan hệ, nguyên tắc phối hợp liên kết vùng giữa Thủ đô với chính quyền các tỉnh giáp ranh với TP Hà Nội nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết, phát huy sức mạnh cả vùng kinh tế.