Tại sao liên kết ‘các nhà’ trong sản xuất nông nghiệp chưa thành công?

NÔNG NGHIỆP Liên kết
17:51 - 12/09/2022
Liên kết, hợp tác là điều kiện để hình thành tính chuyên nghiệp trong sản xuất đối với người nông dân.
Liên kết, hợp tác là điều kiện để hình thành tính chuyên nghiệp trong sản xuất đối với người nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lý giải nguyên nhân liên kết "3 nhà”, “4 nhà” hay “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa thành công, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng mấu chốt là do sự thiếu chuyên nghiệp trong giao kèo giữa nông dân và doanh nghiệp.

Liên kết để có sản xuất chuyên nghiệp

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Nông dân chuyên nghiệp”, ngày 12/9, nông dân Nguyễn Văn Linh, ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh chia sẻ về mô hình liên kết với các hộ khác trồng rau màu xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Linh, thực tế cho thấy, kể từ khi chuyển sang làm ăn có liên kết, nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn. Do đó, ông mong muốn sẽ có những chính sách để thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Về vấn đề thúc đẩy liên kết nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” đã được nói rất nhiều nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công?

Theo ông Nghị, mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 “nhà” là nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân "bẻ kèo", được mùa rớt giá thì doanh nghiệp "bẻ kèo".

Do đó, 2 “nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Để hạn chế tình trạng “bẻ kèo”, chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng liên kết, hợp tác chính là điều kiện để hình thành tính chuyên nghiệp trong sản xuất đối với người nông dân.

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Nếu chúng ta liên kết lại có quy mô đủ lớn thì mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Sản xuất theo quy luật của thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất”.

Theo ông Nghị, thời đại hiện nay là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10, 20 lần. Mà muốn có thương hiệu lại quay về câu chuyện liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc… Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.

Hợp tác xã cần đóng vai trò đầu mối tập hợp các hộ nông dân

Đối thoại với ý kiến của nông dân Nguyễn Văn Linh, từ phía doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc CTCP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH chia sẻ, trong thực tế, các doanh nghiệp đều mong muốn là sản xuất sản phẩm bán ra thị trường được đón nhận và xây dựng được vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm xây dựng 2 chuỗi liên kết bền vững với nông dân ở Lâm Đồng, ông Dũng cho biết, hiện nay nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng rất mong muốn xây dựng được một vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và minh bạch.

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc CTCP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH

Phía doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ. Chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các hợp tác xã. Tuy nhiên, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia các hợp tác xã. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được hợp tác xã kiểu mới và ai là người tham gia. Khi nông dân tham hợp tác xã thì người nông dân được cái gì”?

Từ góc độ chuyên gia ngành nông nghiệp, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, liên kết là một trong hai thành tố quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp.

Phân tích về các chính sách thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, PGS.TS Thế Anh thông tin, có hai nội dung liên quan tới chính sách liên kết giữa các hộ nông dân với nhau.

Thứ nhất, về mặt chính sách, có Luật Hợp tác xã năm 2012, giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp, tuy còn nhiều khó khăn. Thứ hai là hình thành các Tổ hợp tác theo hợp tác giữa nông dân với các doanh nghiệp.

Khi nông dân tham gia các hợp tác xã, các tổ hợp tác, nông dân sẽ được hỗ trợ đào tạo cán bộ, công nghệ, hỗ trợ đất đai. Tuy nhiên, trong 10 năm qua các hợp tác xã mới ra đời, còn rất nhiều thủ tục, trong đó hỗ trợ về vốn, thứ hai tiếp cận đất đai đối với hợp tác xã còn khó khăn.

Vị chuyên gia này cho biết, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh tri thức hóa nông dân, vấn đề đạo tạo không chỉ dừng ở trong nhà trường mà có nhiều hình thức. Cụ thể, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang phối hợp với các hợp tác xã ở Cẩm Giàng (Hải Dương) xây dựng dây chuyền công nghệ sau thu hoạch của Hàn Quốc.

"Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào sản xuất, phụ thuộc các doanh nghiệp Trung Quốc để xuất khẩu. Bây giờ đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chúng ta có thể xuất khẩu trực tiếp đi Hàn Quốc, Nhật Bản”, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp