Tài xế Hàn Quốc đình công diện rộng gây nguy cơ gián đoạn sản xuất

KINH TẾ HÀN QUỐC
08:51 - 10/06/2022
Các tài xế xe tải đình công phản đối chi phí tăng cao tại Incheon, Hàn Quốc hôm 7/6. Ảnh: Yonhap/EPA
Các tài xế xe tải đình công phản đối chi phí tăng cao tại Incheon, Hàn Quốc hôm 7/6. Ảnh: Yonhap/EPA
0:00 / 0:00
0:00
Hàng nghìn tài xế xe tải tại Hàn Quốc bước vào ngày đình công thứ 3 hôm 9/6 để phản đối chi phí nhiên liệu tăng mạnh, khiến sản xuất gián đoạn và kéo chậm tiến độ tại các cảng, gây ra rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh, lạm phát tại Hàn Quốc chạm mức kỷ lục trong 14 năm và tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến giá cước vận chuyển toàn thế giới tăng cao, các tài xế xe tải tại Hàn Quốc đang tìm cách yêu cầu chính phủ tăng lương. Đồng thời, Reuters cho biết những người này còn yêu cầu các biện pháp đảm bảo ổn định giá cước vận chuyển của chính phủ trong thời đại dịch sẽ được gia hạn chứ không kết thúc vào tháng 12 năm nay.

Theo quan chức cấp cao của công đoàn Đoàn kết Vận tải Hàng hóa Kim Jae-kwang, “do giá nhiên liệu tăng chóng mặt và chính phủ không hành động đủ để bảo vệ sinh kế của chúng tôi, sự thất vọng của chúng tôi ngày càng gia tăng”. Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm nhiều tài xế xe tải sắp phải nghỉ kinh doanh, đặc biệt là các tài xế chở hàng lớn. Nguyên nhân là do các tài xế này đang phải trả thêm 2.390 USD chi phí nhiên liệu trong khi lương hàng tháng của họ cũng chỉ rơi vào khoảng tương đương 2.390 USD đến 3.162 USD.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin cảnh sát đã thực hiện hơn 20 vụ bắt giữ bao gồm các thành viên của hiệp hội xe tải đang chặn cổng nhà máy bia Hite Jinro ở Icheon, phía đông nam Seoul.

Công đoàn vận tải của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc dân quân hô vang khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình. Ảnh: EPA
Công đoàn vận tải của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc dân quân hô vang khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình. Ảnh: EPA

Theo Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc, cuộc đình công trên diện rộng diễn ra với khoảng 7.200 thành viên – tức 30% số người của công đoàn Đoàn kết Vận tải Hàng hóa. Tuy nhiên theo một quan chức của công đoàn, số lượng người tham gia trên thực tế có thể cao hơn con số được công bố chính thức do cuộc đình công còn có sự tham gia của cả những tài xế không thuộc công đoàn.

Sự kiện này cũng tạo ra một trong những thách thức kinh tế lớn đầu tiên cho Tổng thống mới nhậm chức Yoon Suk-yeol. Nếu không thể giải quyết sớm vấn đề này, các hoạt động công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới hoàn toàn có khả năng cao sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thống Yoon hôm 9/6 đã cảnh báo những người đình công không được sử dụng bạo lực và ông cho biết chính phủ đang cố gắng giải quyết tình hình thông qua đối thoại.

Hiện tại, nhà sản xuất thép khổng lồ của Hàn Quốc là POSCO đang là một trong các bên chịu thiệt hại đầu tiên. Kể từ khi cuộc đình công bắt đầu, công ty này đã không thể vận chuyển khoảng 35.000 tấn thép từ hai nhà máy của mình mỗi ngày. Điều này cũng tương đương với việc công ty đang bị mất tới 1/3 các lô hàng hàng ngày của mình.

Ngoài nhà sản xuất thép, các nhà sản xuất ô tô chính là bên thứ 2 chịu ảnh hưởng. Theo đại diện công đoàn, tất cả các thành viên và tài xế xe tải trực thuộc được yêu cầu không giao hàng cho các nhà máy của Hyundai Motor ở Ulsan nhưng không chặn cổng. Khi được Reuters liên hệ, công ty mẹ Hyundai Motor Group từ chối đưa ra bình luận.

Trong khi đó, các nhân viên của Kia Motors tại nhà máy Gwangju thì đang sử dụng những chiếc xe được lắp ráp gần đây để giao hàng theo thông tin từ các hãng truyền thông địa phương.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc ghi nhận có sự sụt giảm trong các lô hàng của một số sản phẩm như thép và xi măng, tuy nhiên quốc gia này vẫn chưa gặp "sự gián đoạn đáng kể trong công tác hậu cần". Tuy nhiên theo một quan chức của Hội đồng Chủ hàng Hàn Quốc, các tác động đang dần thành hình tại các cảng.

Theo người này, hiện các cảng chỉ ghi nhận lượng hàng tối thiếu. Cho tới 8/6, tình hình có vẻ ổn do một số lô hàng được lên lịch trước đã cập cảng. Tuy nhiên thực tế đang tương đối khó khăn. Trong bối cảnh đó, chính quyền cảng Busan, cảng container lớn thứ 7 thế giới, cho biết một đội ứng phó khẩn cấp đã hoạt động kể từ đầu tuần. Ngoài ra, cảng cũng đã chuẩn bị thêm không gian lưu trữ bên ngoài để đề phòng.

Các tài xế đình công do cho rằng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ là không đủ. Ảnh: Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc

Các tài xế đình công do cho rằng các biện pháp hỗ trợ của chính phủ là không đủ. Ảnh: Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc

Đọc tiếp